THCL Mới đây, đoạn clip một nhóm đánh bạn nam dã man chia sẻ trên mạng xã hội với 450 lượt truy cập và hàng nghìn lượt chia sẻ, đa phần tỏ ra phẫn nộ...
Em Long (thứ 2 từ trái sang) cùng nhóm bạn đã đánh em
Ngày 27/10, phóng viên đã có cuộc trao đổi trực tiếp với nhà trường, các em học sinh và phụ huynh em Phạm Văn Long (người bị đánh) để làm rõ vụ việc.
Giá trị kinh tế nhỏ - hành vi lớn!
Nguyên nhân của vụ việc được xác định: Em Phạm Văn Long, học sinh lớp 7A, Trường THCS Minh Tân bị đánh là do cách đây hơn 1 năm (dịp Rằm Trung thu 2015), Phùng Đức Huy, học sinh lớp 11C Trường THPT Trần Quang Khải và nhóm em Long cùng rủ nhau đi rước đèn trung thu vì cùng trong đội trống. Trong khi đánh trống, em Huy không may làm rơi điện thoại của mình và bị vỡ màn hình điện thoại. Chuyện thực thế thế nào không rõ. Chỉ biết rằng, em Huy sau đó đã bắt đền em Long, đổ thừa cho Long đã làm hỏng điện thoại của mình. Sau đó, Huy bắt đền em Long 500.000 đồng. Em Long, lúc đó vì không có tiền nên quy ước mỗi ngày phải trả Huy 5.000 đồng.
Ngày 10/10/2016, do Long không có tiền đưa cho Huy nên đến ngày 22/10, em Huy đã rủ em Chiến, học sinh lớp 11 Trường Nhị Chiểu (cũng trên địa bàn) chặn đường và ép các bạn cùng lớp với Long phải đánh Long (cách trường khoảng 2 km, trên đường từ trường về nhà).
Thầy giáo Nguyễn Văn Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân nhận định: "Lứa tuổi các em còn ngô nghê, vụ việc xảy ra, về nhà không dám nói gì với bố mẹ, chưa đủ nhận thức để phản kháng, các em cùng lớp đánh bạn cũng là vì quá sợ... Nhà trường là một xã hội thu nhỏ, các bên (nhà trường và gia đình) ở đây chưa làm tốt trách nhiệm của mình, địa bàn lại khá phức tạp nên ảnh hưởng đến lớp trẻ".
Ông Khoa thừa nhận: Thiếu sót ở đây là việc quản lý các cháu về tiền, cho tiền ăn sáng, nhưng không biết chắc con có ăn không. Thời gian ở nhà, bố mẹ có thể chưa để ý đến tâm tư tình cảm, chưa hướng dẫn cho con về kỹ năng sống... nên khi xảy ra chuyện, đã không biết xử lý thế nào.
Cô Trần Thị Hoàn, giáo viên Chủ nhiệm lớp 7A của e Long cho biết: "Trong trường học có môn Giáo dục công dân, liên quan đến kỹ năng sống, hàng tuần các lớp đều có tiết sinh hoạt, tổng kết ưu khuyết điểm và lồng ghép kỹ năng sống vào để hướng dẫn cho các em. Trong buổi sinh hoạt, tôi cũng thường hỏi các em xem trong tuần có vấn đề gì xảy ra không?...
Bố mẹ em Long bùi ngùi: “Chỉ được biết con mình bị đánh qua Facebook, sau đó được nhà trường mời lên để thông báo. Tối 25/10/2016, gia đình của mấy em học sinh đánh em Long đã đến nhà xin lỗi em Long và gia đình và tối 26/10/2016 thì phụ huynh của 2 học sinh lớp 11 mới đến xin lỗi em Long và gia đình, gia đình cũng thông cảm, chia sẻ, tuy nhiên vẫn đợi sự phán quyết của pháp luật”.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Vũ Xuân Thiệm, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải cho biết, em Huy ở trường là một học sinh ngoan, chưa có khuyết điểm gì lớn, học lực trung bình. Đây là trường tư thục nên việc đưa ra các quy định về nền nếp rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, đến ngày 25/10/2016, thầy Thiệm mới biết được sự việc, do Thầy Khoa, Hiệu trưởng Trường Minh Tân thông báo, lập tức Ban giám hiệu đã yêu cầu em Huy phải viết bản tường trình. Cũng ngay sau đó, Công an huyện và thị trấn đến và đưa em Huy đi để hợp tác xác minh vụ việc. Đến sáng 26/10, cô giáo chủ nhiệm lớp em Huy có gọi điện về cho bố mẹ em Huy thì bố mẹ Huy xin phép cô cho em nghỉ học vì gia đình có việc. Đến ngày 27/10, em Huy vẫn chưa trở lại lớp học.
Theo như phụ huynh của em Huy cho biết: Gia đình đã xin cho Huy nghỉ hết tuần bởi sau khi từ cơ quan công an huyện về nhà, cháu có biểu hiện lo sợ và sốt do hoảng, xấu hổ, đây cũng là bài học cho cháu...
Qua sự việc trên cho thấy, việc đưa ra các nội quy, quy định hay các bài giảng về đạo đức, về nhân cách con người không phải từ đó mà được hoàn thiện, tất cả đã chứng minh một điều: Chỉ có sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ và giám sát mang tính kiên trì, liên tục mới mong các em phát triển một cách toàn diện.
Tuy nhiên, trong bản tường trình của em Phùng Đức Huy nộp lại Ban giám hiệu nhà trường lại hoàn toàn trái ngược với những ý kiến của các em học sinh lớp 7A, Trường THCS Minh Tân? Huy viết: “Em không bắt đền em Long điện thoại, cũng không tham gia đánh nhau”...
Vậy bản chất sự việc là như thế nào? Phải chăng, em Huy đã không thực sự thành khẩn, cầu thị? Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ nhằm răn đe, phòng ngừa. Theo hồ sơ học bạ thì em Huy sinh ngày 11/9/2000, vậy là đã 16 tuổi, 12 ngày (tính đúng thời điểm Long bị bạn đánh). Như vậy, rất có thể Long phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có việc ép nộp tiền theo khoản 1 điều 135, Bộ luật Hình sự về cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Tình trạng bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại chung, bởi những hệ lụy cho cả học sinh, gia đình lẫn nhà trường là không nhỏ. Để phòng tránh bạo lực học đường, cần có sự phối hợp tổng thể: Nhà trường, gia đình, xã hội và học sinh. Mỗi bên đều phải có những biện pháp tích cực, nỗ lực và có trách nhiệm với vai trò của mình. |
Nhóm phóng viên