Nhiều doanh nghiệp xin khất nợ trái phiếu

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 16/09/2022 đến 31/01/2023. Theo đó, có 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu, trong đó có 34 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản - xây dựng.

a
Có 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu, trong đó có 34 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản - xây dựng. Ảnh internet.

Cụ thể, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex mã chứng khoán AGM đã tổ chức Hội nghị Chủ sở hữu trái phiếu tại tỉnh An Hiang để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001.

Trước đó, hồi cuối năm 2022, Angimex tuyên bố mất khả năng thanh toán lãi hai lô trái phiếu (lãi suất 7%/năm). Lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 09/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/03/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.

"Tình trạng hiện nay đang bị quá hạn thanh toán, nguyên nhân là do các sự kiện bất khả kháng về nhân sự xảy ra trong thời gian qua; bên cạnh đó, chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính hiện nay cũng mang lại nhiều khó khăn cho Angimex nói riêng và các công ty khác trên thị trường nói chung", đại diện AGM cho hay.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng phải thanh toán khoản trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư vào ngày 30/12/2022 với gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng, song không thể trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư. Công ty cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được Công ty công bố.

Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho hay, nguyên nhân khiến Công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế.

Có công ty còn phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn trả nợ (có người gọi là “bán giấy” - chứng khoán của công ty không còn giá trị - để lấy tiền). Và tất nhiên, khi làm hết tất cả vẫn không trả nổi nợ chỉ có thể phá sản.

Lấy thí dụ, cuối tháng Hai vừa qua, một công ty bất động sản lớn đã công bố thông tin về việc đạt được thỏa thuận để một công ty khác nhận một phần cổ phần trong 02 công ty thành viên của mình, để đổi lấy việc hủy bỏ một lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng công ty đã phát hành cho nhà đầu tư. Đây chính là chuyện hoán đổi nợ thành cổ phần.

Với một số lô trái phiếu khác, công ty cũng đề xuất trái chủ giãn thời hạn thanh toán nợ gốc, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty phát triển.

Nói cách khác, câu chuyện hoãn nợ, giãn nợ, khất nợ trái phiếu ở Việt Nam cũng khá giống ở nhiều nước. Đặc biệt, câu chuyện nhà đầu tư trái phiếu đang “lỡ” mua phải trái phiếu và rơi vào cảnh “nước mắt trái chủ” lưng tròng khi nghe trái phiếu bị khất nợ, khá giống Trung Quốc 02 năm trở lại đây. Khác biệt là phía Trung Quốc nghe hơi “sang” hơn, khi người ta gọi đó là “sản phẩm quản lý tài sản”.

Tháo gỡ bế tắc thanh khoản và khôi phục niềm tin trái phiếu doanh nghiệp

Hãng tin Bloomberg gần đây gọi hiện tượng hoãn trả nợ trái phiếu, mà phần lớn là trái phiếu bất động sản ở Việt Nam là “khủng hoảng nợ bất động sản”. Nhiều bạn ở Singapore và Malaysia của người viết đã rất sốt sắng đặt câu hỏi về khả năng “lây lan vỡ nợ chéo”, trong khi một số người làm trong ngành chứng khoán ở Việt Nam lại quan tâm về câu chuyện: liệu ngân hàng có chuyển nhóm nợ của những tập đoàn vay nợ ngân hàng quy mô khá lớn hay không? Trái phiếu thì khất nợ, còn nợ ngân hàng thì sao? Liệu rằng có chủ nợ nào sẽ tìm cách “xử lý” tài sản đảm bảo, bán tống bán tháo ra thị trường hay không?

Cho đến lúc này, câu trả lời của tôi cũng chỉ có thể là “điều gì cũng có thể xảy ra”. Quan trọng là quan điểm chính sách như thế nào. Đến lúc này, trong xã hội có 2 luồng quan điểm chính. Thứ nhất, không thể giải cứu bất động sản, không để bất động sản bắt nền kinh tế làm con tin, phải để thị trường tự điều tiết. Quan điểm thứ 2, không thể để thị trường tự điều tiết, mà phải có can thiệp.

Nếu chính sách hỗ trợ bất động sản mạnh mẽ sẽ có nhiều cách xử lý. Còn ngược lại, để cho thị trường tự điều tiết có thể mọi thứ sẽ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu của một chuỗi vỡ nợ liên hoàn. Trong năm 2023, ước tính có khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn. Nhưng đây mới là ở vòng đầu. Tiền đâu để người ta mua 130.000 tỷ đồng trái phiếu đó, và những khoản nợ “dắt dây” từ đó phức tạp cỡ nào, là điều chưa rõ ràng.

Vì lý do đó, rất khó để đoán định rằng khả năng lây lan của "đám cháy" trái phiếu bất động sản này lớn thế nào. Nó có thể chỉ là đám cháy nhỏ không lây lan và tự tắt. Cũng có thể là đám cháy có thể thiêu rụi cả một thành phố. Điều quan trọng lúc này là phải có những dữ liệu kinh tế và nhìn nhận đúng đắn, có những bằng chứng từ phân tích các dữ liệu đáng tin cậy để đưa ra các quyết định dựa vào bằng chứng, không cảm tính.

Mấu chốt quan trọng nhất của quyết sách với thị trường trái phiếu nói chung và bất động sản nói riêng lúc này là “khoanh vùng đám cháy”, không để đám cháy lan rộng ra. Mà muốn như vậy, phải có những tính toán dựa trên dữ liệu thực tế và kịch bản để ước đoán quy mô tác động của đám cháy. Đến lúc này nhiều hiệp hội, chuyên gia còn chưa thể đồng ý với nhau là bất động sản đóng góp trực tiếp và gián tiếp bao nhiêu cho nền kinh tế, mức độ tài trợ của thị trường “ngân hàng ngầm” cho bất động sản là bao nhiêu, qua mấy vòng… như vậy trả lời sao được về quy mô của đám cháy?

Lê Pháp (T/h)