Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2014, Ukraine luôn ở tình trạng là vùng tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây
Kịch bản Syria ở Ukraine
Theo giới quan sát, có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa tình hình nước Đức dưới thời cầm quyền của các thế lực phát xít theo chủ nghĩa quốc xã trong những 1930-1940 với tình hình Ukraine hiện nay. Trong những năm 1930, nước Đức trên danh nghĩa chịu sự lãnh đạo của Tổng thống Paul von Hindenburg nhưng trên thực tế các thành viên của đảng Quốc xã lại nắm giữ mọi vị trí chủ chốt trong chính phủ. Do đó, nước Đức nhanh chóng biến thành một nhà nước độc tài toàn trị.
Tình hình tương tự đang diễn ra ở Ukraine trong năm 2014, trong đó một số thế lực đi theo tư tưởng chủ nghĩa phát xít mới nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền Kiev và ráo riết truyền bá hệ tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội. Tổ chức dân tộc Ukraine, gọi tắt là OUN (The Organization of Ukrainian Nationalists), là lực lượng truyền bá rộng khắp hệ tư tưởng này.
Stepan Bandera, một trong những nhà lãnh đạo của OUN đi theo phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, đã từng bị kết án tù tại Ba Lan do dính líu vào các hành động khủng bố. Về sau, Stepan Bandera được trả tự do nhờ lực lượng chiếm đóng của Hitler tại đây và được cơ quan mật vụ Đức tuyển mộ.
Năm 2004, Stepan Bandera đã được Tổng thống Ukraine, ông Yushenco-người nổi lên trong cuộc “cách mạng cam”, truy tặng danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc Ukraine”. Sau đó, Tổng thống Ukraine Yanukovich quyết định hủy bỏ danh hiệu này. Năm 2014, Tổng thống Ukraine Poroshenco lại phục hồi danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc của Ukraine” cho Stepan Bandera. Điều này phản ảnh cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp trên chính trường Ukraine.
Trên thực tế, sự hồi sinh của chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine bắt đầu vào cuối những năm 1980. Vào thời điểm đó nổi lên các phong trào hoạt động bí mật của sinh viên ở Lvov-một tỉnh phía tây Ukraine, giáp Ba Lan. Những phong trào này nhận được sự hậu thuẫn của các cựu chiến binh OUN đã từng di cư sang Mỹ và Canada sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Khi Ukraine trở thành nhà nước độc lập vào năm 1991, nhiều nhóm người lạ mặt xuất hiện ở quốc gia này và tự tuyên bố họ là người thừa kế tư tưởng của Stepan Bandera trong những tổ chức phát xít mới như Cộng đồng quốc gia-lực lượng tự vệ nhân dân Ukraine, gọi tắt là UNA-UNSO (Ukrainian National Assembly-Ukrainian People's Self-Defense); Đại hội dân tộc Ukraine (Congress of Ukrainian Nationalists), Những nhà yêu nước Ukraine (Patriot of Ukraine); Đảng quốc xã Ukraine (Ucraina Social-Nationalist Party). Năm 2005, Đảng quốc xã Ukraine đổi tên thành Đảng hữu cực tự do Liên hiệp toàn Ukraine (All-Ukrainian Union Svoboda).
Bóng ma phát xít công khai xuất hiện ở Ukraine
Nhiều phong trào cực hữu mọc lên và tham gia vào đời sống chính trị Ukraine
Ngoài ra, còn có Đảng dân tộc xã hội Ukraine, gọi tắt là SNPU (Social-National Party of Ukraine); Cộng đồng xã hội-dân tộc Ukraine, gọi tắt là SNA (Social-National Assembly of Ucraina); Tổ chức toàn Ukraine mang tên Stepan Bandera-Trizub (Stepan Bandera All-Ukrainian Organization)”; Tổ chức hành chính và quân đội toàn Ukraine dành cho những người Cozak (The All-Ukrainian organization Sich). Tất cả đều ủng hộ tư tưởng xây dựng một nhà nước độc tài thuần chủng cùng với nền chuyên chế dân tộc chủ nghĩa hà khắc do "các nhà lãnh đạo quốc gia" nắm quyền.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2014 sau khi tiến hành cuộc đảo chính trong tháng 2/2014, Arseniy Yatsenyuk ở cương vị Thủ tướng và một số nhà lãnh đạo khác đã ghi nhận công lao của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong cuộc đảo chính này.
Valentin Nalivaichenko, một nhân vật có mối liên kết chặt chẽ với tổ chức “Trizub”-thành phần chính của đảng phát xít mới “Pravy Sector” và là một đảng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, được chính phủ mới ở Ukraine bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan an ninh Ukraine.
Andriy Parubiy-người sáng lập phong trào chính trị cực đoan “Người yêu nước Ukraine” và Đảng cực hữu Ukraine, được bổ nhiệm một vị trí trong Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine.
Igor Smeshko, người sáng lập tổ chức mang tên “Cozac”-một thành phần thuộc lực lượng dân tộc cựu hữu Ukraine, được bổ nhiệm làm cố vấn của tổng thống và Chủ tịch Ủy ban tình báo trực thuộc tổng thống.
Sergey Kwit, một nhân vật đã từng hô hào cấm sử dụng tiếng Nga khi đang theo học tại Học viện Mohyla Kiev, được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ukraine.
Shvaika và Andrey Mohnik-thành viên Đảng phát xít mới “Svoboda” được giao nhiệm vụ quản lý Bộ nông nghiệp sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Còn rất nhiều người khác có tư tưởng dân tộc cực đoan và phát xít mới được chính quyền mới ở Kiev giao nắm giữ các vị trí tuy kém cạnh hơn nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng là truyền bá và gieo rắc tư tưởng của chủ nghĩa phát xít mới vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục và quân sự của Ukraine.
Yuri Mikhalchishin, thành viên của Quốc hội Ukraine và là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng “Svoboda” được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc cơ quan an ninh Ukraine (SBU) với vai trò chính là làm công tác tư tưởng và nghiên cứu. Yuri Mikhalchishin đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và truyền bá tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan vào xã hội Ukraine hiện nay. Valentin Nalivaichenko, một người đã từng bảo trợ cho tổ chức phát xít mới “Trizub” trong nhiều năm qua, nay được giao nhiệm vụ Giám đốc cơ quan phản gián Ukraine.
Cơ quan an ninh Ukraine không thuộc quyền kiểm soát của Toà án hành chính. Nếu ai đó muốn phản đối hoạt động của cơ quan này đều không thể đệ đơn lên tòa án giống như trường hợp của các cơ quan nhà nước khác. Theo cách thức của Gestapo, cơ quan an ninh Ukraine hoàn toàn có quyền bắt giữ ai đó ngay cả khi chưa có quyết định của Tòa án. Nalivaichenko, người lãnh đạo Cơ quan an ninh Ukraine từ lâu đã khét tiếng bởi những hình thức tra tấn và đánh đập tàn bạo, dã man hơn cả thời kỳ Trung Cổ.
Như vậy, hiện nay đang tồn tại một thế lực cực hữu đang đầu độc dân chúng Ukraine bằng chiến dịch truyền bá và khắc sâu những tư tưởng dân tộc cực đoan, dân tộc thượng đẳng, tuyên truyền tư tưởng diệt trừ những người bất đồng chính kiến và theo đuổi giấc mộng thống trị toàn cầu bằng việc quân sự hóa Ukraine và tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một chi tiết cực kỳ quan trọng mà giới phân tích chính trị quốc tế đã rút ra là ngày nay các tập đoàn tài phiệt Mỹ đang sử dụng chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine làm công cụ không chỉ chống phá nước Nga mà còn làm suy yếu châu Âu để duy trì quyền bá chủ thế giới của họ.
Kịch bản Syria ở Ukraine
Kịch bản Syria ở Ukraine gồm ba thành phần then chốt: (1) chính quyền cực hữu và các lực lượng quân sự-an ninh do họ kiểm soát; (2) các lực lượng khủng bố gồm những người Ukraine đã từng tham gia trong hàng ngũ IS ở Iraq và Syria và những người được tuyển chọn từ làn sóng di cư từ Bắc Phi-Trung Đông đi qua Biển Đen; (3) sự chi viện vũ khí và cố vấn quân sự của Mỹ và NATO.
Để thực hiện chức năng chi viện trực tiếp cho Ukraine, Mỹ đang xúc tiến xây dựng các căn cứ quân sự ở quốc gia này, trong đó có Trung tâm chỉ huy chiến dịch tại căn cứ hải quân Ochakov của Ukraine. Trung tâm này sẽ được quân đội Ukraine sử dụng để tiến hành các cuộc tập trận hải quân và tập trận chung toàn quân.
Binh sĩ NATO diễu binh tại Ukraine mới đây và cố vấn quân sự Mỹ huấn luyện lính Ukraine (ảnh dưới)
Một số nhà quan sát nhận định, mục đích của Mỹ thực hiện kịch bản Syria ở Ukraine là sử dụng các lực lượng khủng bố người Syria và các lực lượng khủng bố khác trà trộn trong dòng người di cư bất hợp pháp từ các nước Bắc Phi-Trung Đông, kết hợp với các lực lượng vũ trang Ukraine để thực hiện chiến dịch mà họ gọi là “chống khủng bố” để “giải phóng” miền Đông Ukraine, thậm chí là “giải phóng Crimea”. Đồng thời, mưu biến Ukraine thành bàn đạp ở châu Âu để tiến hành các vụ khủng bố trên lãnh thổ Nga.
Trong chuyến thăm Ukraine và dự lễ kỷ niệm Ngày độc lập của quốc gia này (23/8/2017), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ nghiên cứu điều chỉnh chính sách cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân lực của Thượng viện Mỹ, là người tích cực ủng hộ chủ trương chuyển giao vũ khí nóng cho Ukraine.
Hầu hết các chính khách châu Âu đã lên tiếng phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cựu ngoại trưởng Đức hiện là Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier từng tuyên bố rằng cung cấp vũ khí cho Ukraine là cách làm rất nguy hiểm và phản tác dụng không góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Giới quan sát lo ngại, kịch bản Syria của Mỹ ở Ukraine có thể biến quốc gia Đông Âu này thành cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Đại tá Lê Thế Mẫu - VietTimes