Góp ý vào dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, cơ bản thống nhất cao với dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải thể chế hóa một cách đầy đủ, đó là: Dân là gốc, dân là chủ thể, dân là trung tâm, dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt, nhân dân làm chủ. Lấy kết quả tín nhiệm, sự hài lòng của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng, tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Liên quan đến thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, doanh nghiệp nhà nước hiện nay không chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn do Nhà nước đầu tư, thành lập, tổ chức quản lý. Do đó, nếu chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì sẽ chưa thật sự đầy đủ.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng.
Về Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ và tiêu chuẩn thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở từng loại hình cơ sở; không quy định Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được quyền giao Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn xác minh những vụ việc nhất định nhằm đảm bảo tính chủ động, độc lập, khách quan của Ban Thanh tra nhân dân.
Đồng thời, quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.
Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm đã nhấn mạnh, dự thảo luật được xây dựng trên một nguyên tắc cơ bản là thể chế hóa và thiết kế theo trình tự, phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, để bảo đảm tính bao quát, thụ hưởng của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thành quả của dân chủ cơ sở, thành quả của sự nghiệp đổi mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, đối với những nội dung cụ thể, chi tiết, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, những vấn đề có liên quan đến điều khoản chuyển tiếp… mà các ĐBQH góp ý, Ban soạn thảo trân trọng tiếp thu và phối hợp với Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện dự thảo luận để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thiên Trường