Toàn cảnh phiên giải trình
Toàn cảnh phiên giải trình

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, hiện tình trạng xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có xu hướng gia tăng.

Đến cuối năm 2022, Thanh Hóa có 17 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng hơn 4,6 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên; 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng chậm đóng hơn 314 tỷ đồng, trong đó có 290 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 24 tháng trở lên, nợ đọng gần 172 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng nhiều lao động, nhưng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn, thời gian kéo dài, như:

Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT, có 862 lao động, chậm đóng 22 tháng với số tiền là 18.804,58 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa, có 50 lao động, chậm đóng 79 tháng với số tiền là 15.471,13 triệu đồng; Chi nhánh - Công ty cổ phần Sông Đà 4, có 63 lao động, chậm đóng 55 tháng với số tiền là 9.295,03 triệu đồng;

Xí nghiệp Sông Đà 10/5, có 202 lao động, chậm đóng 22 tháng với số tiền là 6.327,42 triệu đồng; Công ty TNHH MTV JLG Vina, có 102 lao động, chậm đóng 31 tháng với số tiền là 4.041,13 triệu đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone, có 140 lao động chậm đóng 18 tháng với số tiền là 2.400,50 triệu đồng...

Ngoài ra, có 520 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ sử dụng lao động bỏ trốn nên khó thu hơn 121 tỷ đồng.

Theo khảo sát của HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngoài yếu tố khách quan do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, chế tài xử lý doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ mạnh, có nhiều nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên...

Tại phiên giải trình về tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, các ý kiến chất vấn, trao đổi tiếp tục làm rõ hơn tình trạng, nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phát huy vai trò của cơ quan đại diện trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đấu tranh với hành vi chây ỳ, trốn đóng, chậm đóng, sử dụng sai mục đích quỹ bảo hiểm xã hội.

Phát biểu kết luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung vào các nhóm vấn đề “nóng”, nổi cộm, còn tồn tại, hạn chế liên quan đến việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng trong tỉnh Thanh Hóa cập nhật tình hình, thực thi biện pháp thu, xử lý nợ đọng, bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó, thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận tại phiên giải trình.

An Nhiên