Theo đó, sau một năm thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có những chuyển biến tích cực, từng bước thay đổi phương thức làm việc theo kiểu hành chính giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên mạng, công khai, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Nhìn chung, Hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, bảo đảm gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã góp phần hiện đại hóa nền hành chính, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, tạo thuận lợi mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã thường xuyên điều hành, xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công văn. Tỷ lệ văn bản điện tử trên môi trường mạng của tỉnh đạt 96% (toàn quốc đạt 86,5%), tỷ lệ văn bản được ký số là 97%. Ước tiết kiệm chi phí 28 tỷ đồng/năm cho chi phí thời gian, in, gửi, phát hành văn bản của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được vẫn còn tồn tại, hạn chế, các cơ sở dữ liệu của tỉnh còn rời rạc, chưa có sự chia sẻ, kết nối, liên thông với nhau và liên thông với các bộ, ngành trung ương. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt thấp. Kinh phí cho xây dựng Chính quyền diện tử còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của một số ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, chưa thường xuyên sử dụng phần mềm TD-Office và các phầm mềm khác để chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng.
Về vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh để các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tạo đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh
Còn đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động và nhiều văn bản khác để triển khai thực hiện Chính quyền điện tử cùng các dịch vụ đô thị thông minh. Đồng thời, thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh. Tích cực triển khai Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và kế hoạch chi tiết thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, việc quyết tâm của người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng còn thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng yêu cầu: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các sở, ngành cấp tỉnh UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện làm việc trên môi trường mạng, hạn chế tiếp xúc đông người. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong chương trình xây dựng Chính phủ điện tử. Thực hiện tốt các dự án hạ tầng đang triển khai nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ đề ra, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Phấn đấu 20% trở lên người dân và doanh nghiệp tham gia kết nối với Chính quyền điện tử. Hoàn thành 100% các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 mà UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt và 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Để tạo đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, phấn đấu 100% cán bộ công chức trong bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã được Ban cơ yếu của Chính phủ cấp định danh ký điện tử. Từ 22/5/2020 trở đi, 100% văn bản, hồ sơ công việc do các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh thực hiện trên môi trường mạng. Từ 30/6 trở đi, 100% các văn bản, hồ sơ công việc của cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng, từ 30/8/2020, 100% văn bản cấp xã phải được xử lý trên môi trường mạng. Từ 30/8/2020, toàn bộ hệ thống văn bản từ cấp tỉnh đến xã được xử lý trên môi trường mạng.
Đồng thời, yêu cầu 100% trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật thông tin mới. Từ 1/8/2020, 100% các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện phải ứng dụng phòng họp không giấy tờ. Vì vậy, người đứng đầu các sở, ngành cấp tỉnh, địa phương phải trực tiếp ứng dụng và chỉ đạo cán bộ, nhân viên ứng dụng thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của đơn vị mình. Những cán bộ, công chức không chịu ứng dụng và đào tạo ứng dụng thì thay thế người khác thực hiện. Từ chuyên viên trở lên phải lập hồ sơ, ký điện tử.
Được biết, đây cũng là tiêu chí trong bình xét thi đua khen thưởng trong đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cho nên, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết các công việc, các chỉ tiêu để thực hiện.
Hoài Thu