Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 121 tàu dịch vụ thu mua và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, tập trung ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn và TP. Sầm Sơn, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động chế biến thủy sản.
Các tàu dịch vụ liên kết cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và các cơ sở chế biến hải sản trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, các tàu dịch vụ này liên kết thu mua hải sản của ngư dân khai thác trên các ngư trường khoảng 48.000 tấn. Ngoài ra, các tàu dịch vụ còn cung ứng hàng triệu lít xăng, dầu, đá lạnh và nhu yếu phẩm khác cho ngư dân khai thác hải sản trên biển.
Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 4.100 ha diện tích nuôi tôm, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn/năm. Trong đó, tôm sú 3.400 ha, tôm thẻ chân trắng 700 ha.
Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 6% diện tích nuôi tôm được liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông qua các HTX. Sản lượng tôm còn lại chủ yếu được sơ chế, bảo quản đông lạnh và được tiêu thụ tại thị trường nội địa, thông qua các kênh phân phối chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, nhà hàng...
Theo các hộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) có thời điểm một số diện tích tôm nuôi của vụ trước đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, tôm thương phẩm liên tục xuống giá, khiến người nuôi tôm thua lỗ. Trong khi xã Hoằng Yến có diện ích nuôi tôm công nghiệp gần 200 ha, nhưng địa phương chưa có HTX thủy sản làm cầu nối trong cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hàng năm đạt 207.883 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng 70.849 tấn, sản lượng khai thác 137.034 tấn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới hình thành được 24 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản với 10 doanh nghiệp, 14 hộ nông dân, 200 tàu cá tham gia.
Trong đó, có 1 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngao; khai thác thủy sản có 6 chuỗi cung ứng sản phẩm; nuôi trồng thủy sản là 17 chuỗi ở khâu sản xuất (3 chuỗi cung ứng giống tôm, 14 chuỗi cung ứng thức ăn nuôi tôm).
Điển hình một số chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường trong tỉnh, như: Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia, Công ty CP Nước mắm Lê Gia, Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham, Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh...
Ngoài các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, phần lớn mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất hoặc khâu sơ chế nên các chuỗi còn lỏng lẻo, chưa tạo được chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, quy mô và sản lượng liên kết, tiêu thụ sản phẩm thủy sản thông qua các chuỗi còn hạn chế và nhỏ lẻ.
Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân; công tác xúc tiến thương mại, dự báo thông tin thị trường giá cả và định hướng thị trường chưa thực sự kịp thời dẫn đến có thời điểm ngư dân khai thác về phải phụ thuộc vào thương lái tiêu thụ; vẫn còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp và ngư dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ... khiến việc xây dựng các chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn trong việc xây dựng các chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp và các địa phương cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, khai thác hải sản.
Lê Nam