Mô hình nuôi chồn hương tại xã Thọ Tân (Triệu Sơn).
Mô hình nuôi chồn hương tại xã Thọ Tân Triệu Sơn).

Tại xã Thọ Tân, mô hình nuôi chồn hương của ông Đào Phan Tuấn được xem là con nuôi mới bởi đây là một loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm, là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng.

Đưa chúng tôi đi thăm chuồng nuôi, ông Tuấn chia sẻ:

Năm 2021, sau khi xin quyết định cấp phép đầu tư nuôi chồn hương, tôi đã xây 2 khu chuồng và mua 100 con giống nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt... để nuôi thử nghiệm. Do đây là động vật hoang dã nên việc thuần hóa khá khó khăn, tôi đã phải đi tham quan nhiều mô hình, đọc sách, báo để tìm hiểu, học kỹ thuật chăm sóc”.

Theo ông Tuấn, yếu tố quan trọng để mô hình thành công đó là chuồng trại, bởi chồn hương là động vật ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt. Vì vậy, chuồng nuôi chồn nên xây ở khu vực thoáng mát, nền bê tông có độ dốc giúp được thoát nước dễ dàng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại để chồn không bị bệnh.

Bên cạnh đó, với bản tính hoang dã rất dữ, nên các chuồng nuôi cần được xây dựng kiên cố bao quanh bằng lưới sắt để chồn không chui ra ngoài. Cũng theo chia sẻ của ông Tuấn, chồn hương là động vật ăn tạp, ưa thích chuối, chúng ăn vào ban đêm, ngủ ngày. Chồn hương cái 1 năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con.

Hiện nay, ông Tuấn đã mở rộng quy mô trang trại lên 6 chuồng nuôi với hơn 500 con giống, với mỗi giai đoạn, chồn hương được bán với giá khác nhau, dao động từ 10 đến 45 triệu đồng/cặp. Hiện nay, trang trại của ông Tuấn không chỉ cung cấp con giống chất lượng cao mà ông còn hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các trang trại trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Sơn có nhiều mô hình nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế cao và được người dân đầu tư nhân rộng, như: nuôi thỏ Newzealand tại xã Dân Lực, nuôi dúi tại xã Vân Sơn, nuôi ếch tại xã An Nông, nuôi lươn và nuôi dế tại xã Đồng Thắng, nuôi lươn không bùn tại xã Hợp Thắng, nuôi chim bồ câu tại xã Thọ Vực...

Ông Nguyễn Lê Khương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, cho biết:

Phát triển các mô hình con nuôi đặc sản đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Để nhân rộng mô hình, phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, huyện Triệu Sơn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát.

Đồng thời, hướng dẫn các hộ cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mặt khác, khuyến khích người chăn nuôi chủ động liên kết với các đơn vị để được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng.

PV