Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn gắn với điều kiện sản xuất, văn hóa truyền thống đề phát triển Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã khơi được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm đặc trưng vùng miền của các địa phương. Sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đến nay Thanh Hóa đã có 346 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 54 sản phẩm 4 sao và 291 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác được thế mạnh địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể như: cói Nga Sơn, quế Ngọc Châu Thường, bánh lá răng bừa Xuân Lập, bánh gai Tứ Trụ, cam Vân Du (Thạch Thành), tương Làng Ái (Yên Định), nước mắm và mắm tôm Lê Gia (Hoằng Hóa)…
Có được kết quả trên, trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá. Cụ thể là đã đa dạng công tác truyền thông với các hình thức tiếp cận khác nhau: truyền hình, báo chí Trung ương và địa phương, giới thiệu các sản phẩm OCOP qua từng năm và bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP Thanh Hóa, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn…
Nhờ đó các sản phẩm OCOP Thanh Hóa được nhiều khách hàng tiếp cận. Bên cạnh đó Thanh Hóa còn chú trọng chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các điểm bán hàng, tổ chức các hội nghị, triển lãm, lễ hội xây dựng các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm.
Vì thế, nhiều chủ cơ sở kết nối được cung cầu, cung ứng các sản phẩm của mình cho khách hàng một cách hiệu quả nên doanh thu ngày càng tốt hơn. Thanh Hóa phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt thêm 120 sản phẩm như kế hoạch đề ra.
Tiến Minh