Hầu hết tin nhắn, trang web rao bán này đều là những dự án ma, dự án không có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Chủ đầu tư thiếu năng lực trong xây dựng và thi công.
Giống nhiều khách hàng khác, mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Hà Nội) nhận được rất nhiều cuộc gọi, những tin nhắn chào mời mua bán những dự án bất động sản giá rẻ.
Chị Mai cho biết, trong số tất cả những dự án được chào mời, có khá nhiều dự án chị thậm chí chưa nghe đến tên chủ đầu tư và khi tìm hiểu trên mạng cũng không thấy thông tin về dự án như những cuộc điện thoại chị được tư vấn trước đó.
"Tôi cũng tò mò xem các dự án đó có thật sự rẻ giống lời quảng cáo không. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, tôi thấy đa phần là dự án ma và có dự án còn chưa khởi công xây dựng", chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho hay.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, số lượng tin rao bán nhà đất toàn thị trường tăng mạnh ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Cụ thể, lượng tin rao bán tháng 10/2021 tăng cao so với tháng 09/2021, đạt mức 135%. Tuy nhiên, bên cạnh những trang rao bán uy tín, cũng có nhiều trang web rao bán lừa đảo, nhằm đánh vào tâm lý của khách hàng muốn mua nhà đẹp, giá rẻ. "Khi có nhu cầu thực sự, chúng ta cần tìm đến các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, sàn giao dịch uy tín, có thương hiệu", Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Có thể thấy sau dịch, lượng tin rao bán nhà chung cư phân khúc bình dân tăng đột biến cho thấy thị trường bất động sản tại Hà Nội đã khởi sắc. Điều này sẽ thúc đẩy các chính sách của nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư phát triển nhà ở được thực thi mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên trong bối cảnh bên bán tìm mọi cách để gia tăng tỷ lệ giao dịch, bên mua lại càng thận trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm bất động sản rao bán, nhằm tránh chạy theo "sốt ảo", góp phần đẩy giá nhà đất tăng lên và sập bẫy mua phải những dự án ma, dự án không đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Trúc Mai