Cô Đỗ Thùy Quyên giới thiệu cho học sinh về đặc sản trà Suối Giàng.
Cô Đỗ Thùy Quyên giới thiệu cho học sinh về đặc sản trà Suối Giàng

Sau những ngày nghỉ Tết bên gia đình, không ít thầy cô trả phép sớm trở lại trường để chuẩn bị đón trò trở lại trường và vui Tết cùng đồng nghiệp.

Mâm cơm đón Tết muộn

Những ngày cuối tháng 1, không khí Tết Nguyên đán đã bao trùm khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Vẫn bận rộn, miệt mài với công tác giảng dạy cuối năm, song cô Triệu Thị Thanh Huyền - Trường THCS xã Đào Viên (huyện Tràng Định, Lạng Sơn) không khỏi mong sớm đến ngày nghỉ để trở về đoàn tụ đón Tết cùng bố mẹ, chồng con.

Trường THCS xã Đào Viên – nơi cô Huyền dạy học cách nhà 80km. Chưa kể, Tràng Định là huyện miền núi, đường sá di chuyển khó khăn, gập ghềnh, đồi núi. Có những ngày mùa Đông, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, sương trắng bao phủ khiến việc dạy học bị ảnh hưởng, hạn chế.

Vì điều kiện đi lại khó khăn nên một năm nay cô cùng vài đồng nghiệp quyết định ở lại nhà công vụ cấp 4 của trường và chỉ về thăm nhà dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ, Tết. Thường xuyên sống xa gia đình, con nhỏ, cô Huyền mong đợi Tết từng ngày để sớm được sum vầy, đoàn tụ.

Cô Huyền tâm sự:

“Tranh thủ mấy ngày nghỉ, tôi cùng người thân gói bánh chưng, làm mâm cỗ Tết, dọn dẹp nhà cửa thay bố mẹ tuổi đã cao. Tôi cố gắng tận dụng thời gian nhiều nhất ở bên gia đình, đưa con đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng để khi lớn chúng có kỷ niệm đẹp về ngày này”.

Nhiều khi nhìn con tíu tít, vui vẻ khi có mẹ ở bên, cô Huyền không nỡ xa để trở lại trường khi gần hết kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, với đặc thù giáo dục vùng cao, giáo viên thường trả phép trở lại trường sớm ít nhất 1 - 2 ngày để chuẩn bị cơ sở vật chất, huy động và đón học trò. Do đó, khi mọi người còn tận hưởng nốt những ngày nghỉ lễ, cô Huyền đã gói ghém đồ đạc, tạm biệt con và gia đình để trở lại trường.

Trên hành trình trở lại ngôi nhà thứ 2, cô cố gắng mang thêm đôi ba chiếc bánh chưng, khoanh giò để tổ chức Tết muộn cùng đồng nghiệp. Năm nào cũng vậy, như đã trở thành tục lệ đón Tết muộn tại nơi công tác, các thầy, cô giáo đều hẹn nhau tổ chức bữa liên hoan nhỏ, ấm áp tình đồng nghiệp. Hiếm hoi lắm họ mới được quây quần đầy đủ, không khí vui tươi, phấn khởi… để chúc nhau sức khỏe, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ với trò và ngành Giáo dục.

Cô Huyền bộc bạch:

“Chúng tôi làm việc cùng nhau trong thời gian dài, đôi khi gặp nhau nhiều hơn gặp vợ/chồng, con cái nên tất cả coi nhau như người thân thiết trong gia đình lớn. Mỗi lần trở lại trường, chúng tôi cố gắng tổ chức bữa cơm nhỏ tươm tất như một cách đón Tết muộn”.

Bên mâm cơm liên hoan, mọi người hào hứng kể cho nhau nghe những câu chuyện vui dịp Tết, việc đã làm cùng gia đình sau nhiều ngày xa cách. Không khí thân mật, ấm áp, cùng nhau sẻ chia việc nhà việc trường, động viên từ lãnh đạo, đồng nghiệp… khiến cô Huyền và các thầy, cô giáo công tác xa nhà vơi đi cảm giác nhớ người thân, gia đình, có thêm động lực bắt đầu năm mới.

Cô Triệu Thị Thanh Huyền (giữa) được học trò tặng hoa trong ngày 20/11.

Cô Triệu Thị Thanh Huyền (giữa) được học trò tặng hoa trong ngày 20/11

Đồng nghiệp, thầy - trò hội tụ

Giống như nhiều đồng nghiệp lên vùng cao công tác, cô Bùi Thị Minh Khuyên - quê Thái Bình, vượt gần 600km, giảng dạy tại Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu). Mỗi năm, cô Khuyên và các con chỉ về thăm mẹ 1 – 2 lần vào dịp Tết hoặc nghỉ hè.

Vì vậy, trong những ngày cuối năm, nữ giáo viên trông ngóng được cùng các con ra bến xe về quê đoàn tụ gia đình. Cô Khuyên chia sẻ, dù xe khách dịp Tết đông đúc, ngồi chen chúc, say xe… nhưng nghĩ đến mẹ và gia đình ở quê trông mong, bản thân như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua quãng đường dài vài trăm cây số, những mệt mỏi cũng vơi đi rất nhiều.

 

Trước khi nghỉ Tết, cô Khuyên cùng các đồng nghiệp tập trung tối đa cho hoạt động giảng dạy. Đặc biệt, thời điểm này trời chuyển rét đậm, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ phải căng mình để đảm bảo sức khỏe và chống rét cho học sinh.

Nói về hoạt động sau kỳ nghỉ Tết, cô Khuyên cho biết:

“Tôi thường trả phép và trở lại trường trước 2 ngày. Trong đó, nguyên một ngày để di chuyển và nghỉ ngơi sau hành trình dài, sau đó nhắc nhở học sinh đi học trở lại, ổn định sĩ số và bắt tay vào công tác giảng dạy…”.

Cô Khuyên cho biết, nhiều năm trước, sau kỳ nghỉ, giáo viên phải đến từng thôn, bản vận động học sinh ra lớp. Cấp tiểu học, học sinh còn nhỏ nên giáo viên phải tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh hiểu về tầm quan trọng của giáo dục để cho con đi học. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thức người dân nâng lên, việc vận động học sinh ra lớp đỡ vất vả, có khi chỉ cần gọi điện thoại nhắc nhở. Vậy nên, tranh thủ khi học sinh chưa quay lại trường, trước 1 - 2 ngày các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ lại cùng nhau quây quần, chuẩn bị mâm cơm chào năm mới.

Cô Đỗ Thùy Quyên - Trường Mầm non xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) cũng có nhiều kỷ niệm đẹp khi đón “Tết muộn” cùng đồng nghiệp. Công tác tại huyện nhà nên cô Quyên thường trở lại trường sớm hơn đồng nghiệp ở xa để sửa soạn cơ sở vật chất, dọn dẹp trường học đón trò trở lại học tập.

Ngày trở lại trường, các thầy cô sẽ cùng nhau đón Tết lại bên mâm cỗ với những sản vật quê hương được mang từ quê để đóng góp. Dù giản dị nhưng Tết lại của những người thầy vùng khó luôn ấm áp, gần gũi; cùng động viên và chúc nhau bước sang năm mới với nhiều thành tựu trong giảng dạy, nỗ lực vượt khó và tiếp tục gắn bó, cống hiến cho nghề...

Cô Quyên chia sẻ thêm:

“Hiểu tâm lý các em trở lại trường sau Tết uể oải, quên nếp sinh hoạt nên trước hôm đi học, tôi thường chuẩn bị sẵn lì xì, bánh kẹo, trò chơi về Tết. Đây là những hoạt động “khởi động” giúp trò lấy lại tinh thần sau Tết”.

Theo kinh nghiệm của cô Quyên và nhiều đồng nghiệp công tác vùng núi, trẻ đa phần người dân tộc, nhiều em mới ra lớp nên sau thời gian nghỉ Tết dài dễ quên nền nếp, kỹ năng.

Điều đó, càng đòi hỏi giáo viên trở lại trường sớm nhằm chuẩn bị điều kiện sẵn sàng đón và giúp trẻ bắt nhịp với học tập. Đây cũng là cơ hội để đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và thêm thấu hiểu.

H. Thủy (Nguồn: )