Nhu cầu mua sắm dịp Tết Mậu Tuất tăng 10 % so với năm 2017
Sức mua tăng chủ yếu do các yếu tố như kinh tế 2017 tăng trưởng tốt, sản xuất công nghiệp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp khả quan, lạm phát ở mức thấp và các chính sách thực hiện bình ổn thị trường.
Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ từ sau ngày 15 tháng chạp (thời điểm cúng rằm cuối năm), tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp từ 25 – 30% so với ngày thường (Tết Ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết từ 28 - 29 Tết do năm nay thời gian nghỉ Tết ngắn (người lao động chỉ được nghỉ 7 ngày Tết).
Theo Bộ Tài chính, trong 7 ngày Tết (từ ngày 29 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất) do chủ động nguồn cung và triển khai biện pháp bình ổn giá, cùng với việc nhiều siêu thị, chợ dân sinh sớm hoạt động trở lại nên giá cả không biến động nhiều.
Sang những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết; một số siêu thị đã bắt đầu mở cửa ngay từ mùng 1 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Từ ngày mùng 3 Tết, một số siêu thị, chợ truyền thống đã mở cửa đón khách trở lại, các cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán "lấy ngày’” đầu năm. Vào mùng 4 và mùng 5 Tết, hoạt động mua bán dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe... Người dân trong năm nay tiếp tục có tâm lý không tích trữ nhiều hàng hóa trong dịp Tết và sử dụng nhiều dịch vụ giải trí, du lịch, vui chơi hơn.
Sở dĩ giá cả dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất không biến động lớn là do các cơ quan quản lý chủ động vào cuộc ngay từ thời điểm cuối năm 2017. Về phía các địa phương cũng đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, tổ chức các hội chợ xuân, các chương trình khuyến mại, giảm giá… Hầu hết các địa phương đã triển khai chương trình bình ổn thị trường, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa chương trình theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sau Tết bắt đầu là thời điểm của Lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng.
Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý II/2018, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.
Tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.
Tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, dịch vụ sự nghiệp công, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018.
Gia Huy