THCL 10 tháng năm 2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 216 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi” khi thị trường có hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng các loại vẫn đang tìm mọi kẽ hở để hoành hành.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cho biết, chỉ riêng tháng 10/2015, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 40 công ty vi phạm về ATTP, với tổng số tiền phạt trên 751 triệu đồng; thu hồi 19 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP. Hầu hết các công ty vi phạm đều liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) với các hành vi như: Quảng cáo sai phép, thổi phồng công dụng, ghi sai nhãn hàng hóa…
Tính chung 10 tháng đầu năm, Cục ATTP đã thu hồi 30 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 7 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tạm dừng lưu thông 57 lô sản phẩm, thu hồi tiêu hủy 3 sản phẩm và 230kg sản phẩm vi phạm về chất lượng, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp…
Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm TPCN, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8742 truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định với mục tiêu là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh TPCN bảo đảm chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN không đúng quy định của pháp luật. Các quyết định xử phạt này sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân và xã hội biết.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, việc siết chặt quảng cáo TPCN đã triển khai từ các năm qua, nhưng hiện nay đang siết chặt hơn nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người dân. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 09/2015/TT-BYT có hiệu lực từ tháng 7/2015 quy định các loại thực phẩm (trong đó có TPCN) phải có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp…
Để tạo thế “gọng kìm” trong việc quản lý TPCN trong 2 tháng cuối năm, ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Bên cạnh công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Cục ATTP sẽ tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TPCN; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu cơ sở tái phạm hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng; thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định”.
Bộ Y tế đang tập trung quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo nhằm hướng đến quyền lợi người dân, đặc biệt là người bệnh được tiếp cận với thông tin chính xác về sản phẩm và công dụng của sản phẩm TPCN, không tự dùng TPCN thay thế dùng thuốc.
Theo Báo Công Thương