Tại các điểm trung chuyển xe buýt, cổng trường đại học, siêu thị... trên địa bàn TP Hà Nội gần đây xuất hiện nhan nhản nhóm người bán hàng cầm trên tay hàng xấp thẻ sim của nhiều nhà mạng: Viettel, Vinaphone, Mobifone,... cùng tấm biển quảng cáo “xả sim khuyến mãi”.
Bán sim bị khóa giá “cắt cổ”
Chiều ngày 22/11, tại điểm trung chuyển xe buýt trước cổng Trường ĐH GTVT, nhóm PV Báo Giao thông chứng kiến hàng chục nhân viên bán sim ùa tới mời chào khách ngay khi xe buýt vừa mở cửa đón, trả khách. “Sim sinh viên đi anh, chị ơi”, “Sim rẻ số đẹp đây”… Tuy nhiên, sau những lời mặc cả của đôi bên thì chỉ thấy những cái lắc đầu ngao ngán của các “thượng đế”.
Bạn Nguyễn Thành Chung (SV Trường ĐH Thương mại) vừa ngó vào bảng giá của một nhóm bán sim đã quay đầu đi thẳng.
Để được đi bán sim, nhiều sinh viên đã phải nộp phí 500.000 đồng
“Đây là sim “rác” của các nhà mạng đã kích hoạt từ trước nhưng lại được bán với giá “cắt cổ” từ 140.000 - 200.000 đồng/sim. Với số tiền này tôi mua được 2 - 3 cái sim cùng loại ở bất cứ cửa hàng bán sim thẻ nào”, Chung nói.
Theo điều tra của chúng tôi, số sim mà nhóm người trên đang giao bán là do Công ty kinh doanh phát triển công nghệ thương mại TST (TST) có trụ sở ở quận Thanh Xuân cung cấp. Những chiếc sim này không chỉ có giá “cắt cổ” mà còn không có tiền khuyến mãi trong tài khoản như nhân viên bán hàng quảng cáo. Bởi nhiều sim đã qua sử dụng, thậm chí bị nhà mạng khóa vì hết hạn sử dụng.
Tiếp cận với Ngân (SV Trường ĐH Nông Nghiệp), nhân viên của nhóm bán sim, chúng tôi được biết, Ngân nhận số sim này từ người quản lý của TST giao cho. Nguồn gốc, xuất xứ của các sim này như thế nào cô cũng không nắm được. “Em không hiểu mục đích kinh doanh của công ty là gì khi đưa giá cao như vậy trong khi sim cùng loại tại các cửa hàng chỉ bán với giá 50-70.000 đồng”, Ngân cho biết.
500.000 đồng cho một “chân” bán hàng
Hỏi Ngân và nhóm bán sim này tại sao cả tuần không bán được sim nào nhưng vẫn đi làm thì được biết, mỗi người trong nhóm đã phải bỏ ra 500.000 đồng cho văn phòng môi giới và công ty TST để có một “chân” bán hàng. “Nếu nghỉ làm thì mất không số tiền đã đóng. Còn làm tiếp thì cũng chẳng đủ doanh số để được nhận lương”, Ngân chia sẻ.
Cũng giống như Ngân, để trở thành “người” của công ty, Phương (quê ở Thái Bình, SV năm 3 trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội) bắt buộc phải thông qua công ty môi giới và đóng tiền trang phục là 230.000 đồng cho TST.
“Trên tờ rơi ghi là chỉ cần mang theo CMND hoặc thẻ sinh viên và không cần đặt cọc hay thế chấp. Thấy công việc trong tờ rơi khá phù hợp với giờ nghỉ sau các tiết học nên em đã rủ các bạn cùng trường tới xin việc. Nhưng khi đi làm thì tất cả không giống như những gì họ nói”, Phương cho biết.
Nhìn đống sim của Phương, chiếc nào cũng dùng băng dính dán lại, vì hầu hết đã qua sử dụng. Thử mua một chiếc sim số 016885...02 với giá 140.000 đồng và kích hoạt, chúng tôi bất ngờ khi trong tài khoản của sim này không có tiền và đã hết hạn sử dụng. Hỏi Phương thì miệng Phương lắp bắp: “Em xin lỗi, em cũng không biết tại sao lại như thế?”.
“Vẽ” việc làm để “ăn” tiền môi giới
Để tìm hiểu thực hư về hình thức kinh doanh và nguồn gốc số sim này, chúng tôi đã tìm theo địa chỉ liên lạc trên tờ rơi quảng cáo việc làm mà Ngân và Phương cung cấp.
Gọi vào số điện thoại 0168.755.9886 thì được một phụ nữ tên Gấm hẹn đến văn phòng tại số 817A đường Giải Phóng (Hà Nội) gặp mặt.
Sau một hồi trao đổi, Gấm đưa cho chúng tôi một tờ giấy giới thiệu để mang đến công ty TST nhận việc làm. Sau đó, Gấm yêu cầu chúng tôi đóng 270 nghìn đồng, gọi là phí môi giới.
Theo chỉ dần trên giấy giới thiệu, chúng tôi tìm đến địa chỉ của công ty TST. Mặc dù địa chỉ của Công ty này là số nhà 51, ngõ 14 Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội nhưng trên tấm biển hiệu thì phần số nhà và tên đường đã bị làm mờ và không ai có thể nhìn rõ được.
Trong căn phòng rộng chừng 15m2, xung quanh có kê 4 chiếc bàn ngồi quây lại, có chừng 20 người, trong đó có gần chục sinh viên đang được các nhân viên của TST “phỏng vấn”. Sau một hồi được các nhân viên rót những lời đường mật vào tai, không ít người đã rút tiền ra nộp rồi đặt bút ký vào hợp đồng làm việc.
Tuy nhiên, chừng 10 phút sau, bất ngờ có một nhóm sinh viên của Trường ĐH GTVT xông vào yêu cầu công ty trả lại giấy tờ và số tiền đã đóng cách đây hai ngày.
“Công ty chỉ vẽ ra việc để thu tiền môi giới và tiền trang phục thôi chứ kinh doanh cái nỗi gì? Làm ăn thế này có khác gì lừa đảo. Tôi yêu cầu các anh chị trả lại 500 nghìn và chứng minh thư cho tôi”, Quang - một thành viên trong nhóm lớn tiếng.
Lúc này, một nhân viên của TST với vẻ mặt nhăn nhó và khó chịu đáp: “Số tiền anh nộp cho văn phòng môi giới bao nhiêu chúng tôi không cần biết. Còn số tiền 230.000 đồng anh nộp cho công ty là để mua đồng phục. Trong hợp đồng anh đã ký rồi, giờ anh không làm nữa thì sẽ không được hoàn trả số tiền đó”, nói xong nhân viên này lục tìm và trả lại các giấy tờ của nhóm người trên.
Hỏi chuyện với Quang, chúng tôi được biết hiện có khoảng trên 200 người đang đi bán các loại sim trên cho TST mỗi ngày.
“Họ nói là trả lương 90.000 đồng/ca nhưng sim họ giao cho chúng tôi làm sao mà bán được. Rất nhiều người khi biết bị mắc bẫy đã nghỉ việc và chấp nhận mất số tiền đã đóng, nhưng không hiểu sao hàng ngày công ty này vẫn tuyển mới được hàng chục người mới vào làm việc”, Quang cho hay.
Giám đốc TST nói gì? Trao đổi với PV Báo Giao thông về số tiền đồng phục mà công ty đã thu của những người đến xin việc, bà Oanh, Giám đốc Công ty TST cho biết, mọi nhân viên làm việc cho TST trên tinh thần hoàn toàn “tự nguyện” và đều có hợp đồng lao động chứ công ty không bắt ép. Còn về nguồn gốc số sim mà TST đang giao cho nhân viên bán trên thị trường, bà Oanh khẳng định: “Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin cho cảnh sát điều tra chứ không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho báo chí”. Nghiêm cấm hành vi mua bán sim được kích hoạt sẵn Theo Điều 5, Thông tư 04/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý thuê bao di động trả trước có quy định: Nghiêm cấm hành vi kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; Nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định. * Kể về quãng thời gian hơn 10 ngày làm nhân viên của TST với giọng nói vẫn còn run run, Phương ngậm ngùi chia sẻ: “Hôm qua, em bán và kích hoạt sim Viettel cho một khách hàng thì đã bị người này chửi và suýt đánh em vì khách kiểm tra tài khoản thấy không có khuyến mại và phát hiện sim cũ. Sau đó em đã phải xin lỗi và hoàn trả lại tiền cho khách”. |
Theo GTVT