Sáng 30/3/2020, tôi đọc được thông tin trên báo mà lòng phấn khởi vì hàng hóa ở Thủ đô theo báo cáo của Sở Công Thương rất dồi dào, phong phú, giá cả tương đối ổn định, mức giá tương đối hợp lý, nhất là ở các chợ dân sinh, nơi mà bà con thu nhập thấp hay có thói quen mua hàng lương thực thực phẩm ở kênh truyền thống này.
Tỷ trọng doanh thu những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, rau quả, kênh chợ chiếm đến 75 – 80% thị phần, siêu thị, trung tâm thương mại chỉ mới đảm nhiệm được 15-20% mà thôi. Mặt hàng rau là mặt hàng là mọi người quan tâm nhất, đây là loại thực phẩm phổ biến ngày nào các gia đình cũng phải sử dụng đến.
Theo thông tin trên báo, mấy ngày gần đây, giá rau ở các chợ có giá bình quân từ 7.000 - 8.000đ/kg. Đây là mức giá thấp và hợp lý mặc dù rau ở chợ chưa thật sự an toàn đối với người tiêu dùng.
Niềm vui của tôi chưa được trọn vẹn, bởi ngay sáng hôm đó, tại siêu thị LT Đống Đa, trong quầy rau thì ôi chao, giá rau lại cao đến vậy? Tôi không thể tin được mắt mình khi thấy giá bán ở siêu thị dao động từ 26.000đ/kg – 44.000đ/kg (đã bao gồm thuế VAT). Tính ra nếu mua 1 mớ rau sạch 1 kg thì bằng hơn 2 lạng thịt lợn vai với mức giá hiện hành. Còn nếu so sánh với chợ thì mức giá này cao hơn từ 4-5 lần.
Tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, với mức giá cao vô lý ở trên, thì đa số người có thu nhập thấp không dám mua rau ở siêu thị, mặc dù biết đó là rau sạch và rau an toàn cho gia đình mình.
Nếu so sánh với chợ thì mức giá 1 kg rau trong siêu thị cao hơn từ 4-5 lần
Từ nhiều năm nay, câu chuyện giá ở một số siêu thị phổ biến cao hơn ở các chợ dân sinh là một thực tế ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân để giá hàng hóa ở siêu thị cao hơn ở giá chợ, về mặt khách quan thì chi phí bảo quản bán ra của hệ thống siêu thị cao hơn ở chợ, cộng thêm thuế VAT khi bán ra.
Như vậy, chỉ còn lại yếu tố chủ quan ở siêu thị để đẩy giá lên cao, đó là các chi phí mà các mặt hàng nông sản đưa gửi vào siêu thị đều ở mức khá cao như chiết khấu ở mức 20-30% mà có những nhà cung ứng đã không chịu nổi. Ngoài ra còn những chi phí khó nói khác, các nguyên nhân đó chắc chắn đẩy giá bán hàng nông sản và rau quả ở một số siêu thị lên cao so với chợ.
Điều này, lại ngược lại so với các nước đang phát triển, ở đó giá siêu thị đa phần thấp hơn ở các chợ dân sinh. Bởi siêu thị có thế mạnh về doanh số, khi đàm phán giá với các nhà cung ứng, thậm chí ép giá khi mua vào để tổ chức bán ra. Đây là bài toán lâu dài về giá bán lẻ ở các siêu thị Việt Nam.
Theo đề án phát triển thị trường nội địa của Bộ Công Thương, đến năm 2030, kênh thương mại hiện đại văn minh sẽ chiếm đến 40% thị phần bán lẻ so với 25% hiện nay. Tuy nhiên, chính sách phát triển này phải có ý nghĩa thiết thực khi mà giá cả trong hệ thống các siêu thị từng bước phải theo xu hướng tiệm cận với giá cả ở chợ dân sinh như các nước đang làm.
Có như vậy thì ngoài các tiêu chuẩn về thương hiệu, chất lượng hàng hóa an toàn thực phẩm thì giá cả cũng là một yếu tố cạnh tranh đáng kể của kênh thương mại này trên thị trường nội địa Việt Nam. Chính sách phát triển hệ thống phân phối hiện đại và các kênh phân phối khác như chợ, cửa hàng lẻ... phải luôn luôn đi đôi với chính sách phát triển sản xuất xanh, sạch và an toàn. Đó là một chính sách nhân văn để đảm bảo cho đại đa số người dân Việt Nam được hưởng các hàng hóa nông sản thực phẩm đạt tiêu chuẩn, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình họ.
Thủ tướng Chính phủ nói: “Chúng ta sản xuất sản phẩm nông sản sạch là để phục vụ cho mọi người dân được hưởng, không phải phục vụ cho một bộ phận người có thu nhập cao”.
Còn thực tế ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đều đã rõ: Khoảng 10 mớ rau sạch thì mới có một mớ vào được siêu thị, còn lại rau sạch buộc bán trôi nổi ở thị trường tự do lẫn với rau chưa sạch, và người trồng rau sạch không thu được lợi nhuận tương xứng với những gì mà mình đã bỏ ra.
Chính vì vậy mà nông sản sạch chưa được phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Nguyên nhân rau sạch khó vào siêu thị, và vào siêu thị có mức giá cao vô lý như ở đã nêu ở trên thì chúng ta đã rõ. Chuỗi cung ứng sản xuất phân phối mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa được tổ chức chặt chẽ qua nhiều trung gian, bị ép giá, ép cấp, ép chiết khấu, giao dịch mua bán hàng hóa chưa được công khai minh bạch, thiếu thông tin về giá cả và thị trường.
Đó là một khuyết tật cần phải khắc phục sớm để sản xuất sạch ở Việt Nam và hệ thống phân phối những sản phẩm đó phát triển một cách lành mạnh và đúng hướng chỉ đạo của Nhà nước.
Thực hiện được những vấn đề ở trên, sẽ có nhiều cái lợi:
Sản xuất sạch sẽ phát triển một cách bền vững vì có đầu ra hỗ trợ một cách ổn định và bình đẳng. Hệ thống siêu thị nếu có mức giá sản phẩm nông sản sạch, hợp lý thì doanh số sẽ tăng cao và thu thêm được nhiều lợi nhuận hơn trước. Người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, chiếm đại đa số nhân dân chúng ta sẽ mạnh dạn bước chân vào siêu thị để mua hàng phục vụ cho sức khỏe của gia đình họ.
Chúng ta tin tưởng rằng, với những chính sách đúng đắn của Nhà nước, sự tham mưu hiệu quả của các bộ, ngành liên quan và các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản sạch, tương lai không xa, đại đa số nhân dân sẽ được hưởng nguồn nông sản sạch Việt Nam do chính đất nước chúng ta làm ra một cách trọn vẹn.
Vũ Vinh Phú