Trước khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu -EU (EVFTA) có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU chịu mức thuế từ 10-20%.

Từ ngày 01/08/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Ảnh Báo Dân trí
Sản phẩm xanh, nông sản hữu cơ Việt Nam chinh phục thị trường EU. Ảnh Báo Dân trí.

Tuy vậy, sau 02 năm Hiệp định này chính thức đi vào thực thi, dù đã có sự tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nhưng rõ ràng chưa xứng với tiềm năng của ngành này.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, năm 2021, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ đạt 193 triệu USD. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường này là vào khoảng 3,5 tỷ USD. Con số này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự tận dụng được EVFTA để bứt phá xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Theo các chuyên gia, lý do chính dẫn đến việc ngành rau quả chưa thực sự tạo được sự bứt phá trong xuất khẩu sang EU là do nhà nhập khẩu đặt ra nhiều quy định rất khắt khe. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này đều ở dạng thô, nên sẽ gặp khó khăn. Do đó, việc sản xuất theo hướng hữu cơ là chìa khóa để ngành rau quả có thể khai thác tốt hơn thị trường này.

Nói về vai trò của nông sản hữu cơ trong xuất khẩu sang thị trường EU, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Chánh Thu thông tin, ở một số nước hiện tại, đặc biệt là thị trường khó tính, nông sản hữu cơ đang mang giá trị rất cao bởi sau đại dịch Covid-19, người dân ở các quốc gia có xu hướng cần tìm những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này.

Người nông dân trồng nông sản hữu cơ. Ảnh internet
Sản phẩm xanh, nông sản hữu cơ Việt Nam chinh phục thị trường EU. Người nông dân trồng nông sản hữu cơ. Ảnh internet.

Ông Jesper Clausen, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản EuroCham, chia sẻ: Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cần tìm hiểu rõ khách hàng của mình. Với khách hàng Châu Âu, điều họ quan tâm nhất là vấn đề phát triển bền vững cũng như là các sản phẩm xanh. “Vậy nên nếu như có thể sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản thì tôi tin rằng, khả năng xuất khẩu sang thị trường EU sẽ còn cao hơn nữa”, ông Jesper Clausen nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thủy sản Nam miền Trung cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp rất nhiều thách thức về giá vật tư, nhân công, lợi nhuận, sản lượng... đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong sản xuất giữa các khâu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xây dựng quy chuẩn cho nông sản hữu cơ, từ đó kiểm soát quy chuẩn. Làm được như vậy mới có thể kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng thiếu đồng bộ trong triển khai.

Mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1ha đất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng và hiệu quả kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp.

Một số chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận, hiện nay đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, định vị thương hiệu.

Theo các số liệu của ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường EU vẫn còn thấp so nhu cầu của thị trường.

Công Huy (t/h)