THCL Kết luận thanh tra cho thấy, sai phạm tại Trường ĐH Điện lực là vô cùng nghiêm trọng. Vì sao không xử lý ngay từ khi mới phát sinh; khi sai phạm trở nên nghiêm trọng, kéo dài suốt nhiều năm mới tiến hành thanh tra, xử lý? Vì sao không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra…? Đó là những thắc mắc mà dư luận đặt ra xoay quanh công tác quản lý của Bộ Công thương.

Sai phạm “khủng” tại Trường ĐH Điện Lực: Công tác quản lý của Bộ Công thương ra sao? - Hình 1

Theo Kết luận thanh tra của Bộ Công thương, sai phạm tại Trường ĐH Điện Lực là vô cùng nghiêm trọng (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, thực hiện Quy định thanh tra số 800/QĐ-BCT ngày 3/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương về thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo hệ CĐ, ĐH, ThS; liên kết đào tạo; quản lý thu, chi học phí tại Trường ĐH Điện lực, từ ngày 17/3/2016 đến ngày 24/5/2016, Đoàn thanh tra của Bộ Công thương đã tiến hành thanh tra tại Trường Đại học Điện lực.

Theo đó, Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, ngày 16/9/2016 của Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo CĐ, ĐH, ThS; liên kết đào tạo; quản lý thu - chi học phí (thời điểm 2011 – 2015) tại Trường ĐH Điện lực.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 -  2015, Trường ĐH Điện lực đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được giao, báo cáo không trung thực với Bộ Giáo dục & Đào tạo về các điều kiện thực tế của trường nhằm tăng chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh. Từ 2011 – 2013; trường đã vi phạm quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định khi tuyển sinh 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố.

Sai phạm “khủng” tại Trường ĐH Điện Lực: Công tác quản lý của Bộ Công thương ra sao? - Hình 2

Dính sai phạm "khủng", Trường ĐH Điện lực vẫn được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công thương (Ảnh: //www.epu.edu.vn)

Trong các năm 2011 - 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trường đã tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp CĐ nghề liên thông lên trình độ ĐH khi chưa được phép của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Về liên kết đào tạo, trường đã vi phạm quy định về điều kiện thực hiện liên kết đào tạo tuyển sinh và đào tạo liên thông ngoài cơ sở đào tạo của trường để cấp bằng ĐH chính quy, CĐ mà chưa thực hiện đăng ký với Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Đặc biệt, Trường ĐH Điện lực đã buông lỏng quản lý, giao cho đơn vị bên ngoài chủ trì quản lý đào tạo hệ liên thông, liên kết không đúng quy định; tuyển sinh vượt chỉ tiêu lớn dẫn đến quy mô vượt quá năng lực, không đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ sinh viên và giảm biên theo quy định. Từ đó dẫn đến hạn chế việc kiểm soát chất lượng đào tạo.

Công tác quản lý kết quả học tập của sinh viên hệ liên thông, liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, trường chỉ tiếp nhận kết quả điểm cuối cùng của các lớp để tổng hợp, xét điều kiện dự thi tốt nghiệp. Việc giảng dạy các lớp đào tạo liên thông, liên kết ngoài trường chủ yếu do giảng viên theo hình thức thỉnh giảng thực hiện, việc thuê khoán chuyên môn không được kiểm soát chặt chẽ theo quy định.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, Ban giám hiệu và các đơn vị tham mưu của Trường ĐH Điện lực (phòng, khoa, trung tâm…) có nhiệm vụ tham mưu giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được Hiệu trưởng giao. Tuy nhiên, các đơn vị này chưa chấp hành đúng những quy định trong công tác tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo, quản lý thu - chi học phí đối với các lớp liên kết và quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Sự buông lỏng quản lý có hệ thống này đã dẫn đến việc kiểm soát số lượng sinh viên không chính xác, kịp thời chất lượng đào tạo, số lượng hợp đồng liên kết đào tạo đã ký kết; báo cáo cơ quan có thẩm quyền thiếu trung thực; ban hành các quy chế nội bộ chưa phù hợp với quy định của pháp luật, công tác điều hành chưa tuân thủ quy chế…

Do vậy, Ban giám hiệu và một số đơn vị tham mưu của Trường ĐH Điện lực phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra hàng loạt sai phạm. Chịu trách nhiệm trực tiếp là Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng.

Sai phạm “khủng” tại Trường ĐH Điện Lực: Công tác quản lý của Bộ Công thương ra sao? - Hình 3

Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, ngày 16/9/2016 của Thanh tra Bộ Công thương (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Có thể nói, hậu quả của việc sai phạm có hệ thống tại Trường ĐH Điện lực để lại là vô cùng lớn. Cụ thể, về công tác tuyển sinh, đào tạo, đã có tới 1.699 đối tượng có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm trúng tuyển do trường công bố, nhưng vẫn được vào học (từ năm 2011 – 2013); Trường ĐH Điện lực đã tuyển sinh vượt 34.270 sinh viên so với chỉ tiêu được giao (giai đoạn từ năm 2011 -  2015)…

Việc đào tạo vượt chỉ tiêu với số lượng lớn đã dẫn đến tình trạng không đủ phôi bằng để cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Thời điểm cuối năm 2015, trường còn nợ 18.585 bằng tốt nghiệp; tại thời điểm tiến hành thanh tra, còn nợ 3.634 bằng tốt nghiệp hệ liên thông đại học chính quy đã có chứng nhận tốt nghiệp năm 2015.

Về công tác quản lý tài chính, do việc giám sát thiếu chặt chẽ (chưa quản lý đầy đủ các nguồn thu của trường như học phí và kinh phí đào tạo, học phí học bổ sung kiến thức, lệ phí tuyển sinh, lệ phí thi tốt nghiệp…) dẫn tới việc, gần 100 tỷ đồng thu - chi thiếu minh bạch. Trong đó, Thanh tra Bộ Công thương yêu cầu, Trường ĐH Điện lực phải thu hồi về hơn 42,4 tỷ đồng và báo cáo phương án xử lý đối với số tiền hơn 47,4 tỷ đồng thu được từ công tác tuyển sinh, đào tạo...

Trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Trường ĐH Điện Lực, Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao Bộ Công thương không xử lý sai phạm ngay từ khi mới phát sinh, mà khi sai phạm trở nên nghiêm trọng, kéo dài suốt nhiều năm mới tiến hành thanh tra, xử lý? Kết luận thanh tra cho thấy, sai phạm tại Trường ĐH Điện lực là vô cùng nghiêm trọng, vì sao không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra…?

Trao đổi về hàng loạt sai phạm tại Trường ĐH Điện lực (theo Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, ngày 16/9/2016 của Thanh tra Bộ Công thương), Luật sư Vi Văn Diện cho hay: Việc thanh kiểm tra là cần thiết, nhưng trường hợp này, nếu chỉ dừng lại ở đó là chưa thực sự đầy đủ, vì việc thanh tra đã chỉ ra sai phạm, nhưng kết luận và hướng xử lý còn mang tính hình thức. Khi xét thấy có sai phạm lớn, nghiêm trọng, cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra cần lập tức yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc để bóc tách, xác minh, điều tra có hay không hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Rõ ràng, ở đây đã xác định được sai phạm, tùy tính chất, mức độ và hậu quả do quá trình tuyển sinh, quản lý, đào tạo của Trường ĐH Điện lực gây ra, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm, cần lập tức quyết định khởi tố vụ án để mở rộng điều tra liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Trên cơ sở tin báo tố giác từ các cơ quan truyền thông, báo chí, trong trường hợp này, tôi cho rằng, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cần lập tức vào cuộc, xác minh điều tra. Nếu đủ căn cứ, dấu hiệu tội phạm thì cần thiết ra quyết định khởi tố vụ án để mở rộng điều tra các sai phạm nghiêm trọng và hành vi phạm tội tại Trường ĐH Điện lực như công luận đã phản ánh nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật, tránh thiệt hại về kinh tế, uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của học sinh, sinh viên và các học viên đăng ký đào tạo tại trường này...”, Luật sư Vi Văn Diện nhấn mạnh.

Điều 165, Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c)  Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300 đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  1  năm đến 5 năm.

Điều 285 Bộ luật Hình sự quy định về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như:

"1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc