Năm 2004, Mark Zuckerberg bắt tay vào xây dựng Facebook và gửi đến những người bạn của mình tại Harvard và 4.000 người tự nguyện gửi thông tin cá nhân của họ đến mạng xã hội mới ra đời này. Mark Zuckerberg nói: “Người ta chỉ đơn giản là gửi đến thôi. Tôi chẳng biết tại sao người ta tin tưởng tôi”.

14 năm sau, con số 4.000 người tin tưởng Mark Zuckerberg tăng lên đến 2 tỷ, bản thân người sáng lập ra Facebook từng nói rằng anh tiếc vì nói ra những lời như thế: “Nếu bạn định xây dựng dịch vụ có tầm ảnh hưởng và nhiều người phụ thuộc vào, bạn cần phải chín chắn, phải không? Tôi cho rằng mình trưởng thành và học được nhiều điều”.

Thế nhưng, những thông tin gần đây cho thấy dường như Mark Zuckerberg chưa hề trưởng thành như ông tuyên bố.

Rò rỉ thông tin 50 triệu người dùng: Đến lúc phải xóa tài khoản Facebook? - Hình 1

 CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: Reuters)

Lộ thông tin

Ngày 17/3, Observer công bố thông tin về cách mà Cambridge Analytica - công ty của do tỷ phú Robert Mercer - khai thác và lợi dụng dữ liệu liên quan đến 50 triệu tài khoản Facebook. Điều đáng nói là dù Facebook biết về vụ khai thác dữ liệu chưa từng có tiền lệ này nhưng mạng xã hội này không hề gửi bất cứ cảnh báo nào.

Và thay vì nhận trách nhiệm, các giám đốc của mạng xã hội này lên Twitter nói Facebook không làm gì sai và lỗi nằm ở phía người dùng khi họ chia sẻ dữ liệu cá nhân của mình với bên thứ 3.

Đây là mấu chốt quan trọng nhất của toàn bộ vụ việc, mô hình kinh doanh của Facebook là thu thập, chia sẻ và khai thác càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt và không mảy may bận tâm về việc thông báo cho người dùng.

Cambridge Analytica lợi dụng kẽ hở này, dù cho công ty này vi phạm điều khoản sử dụng của Facebook nhưng mạng xã hội này không có bất cứ cơ chế nào để bảo ngăn chặn điều này.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook phản đối bằng cách xóa tài khoản của mình. Nhưng một số lại cho rằng nên dừng lại ở việc chia sẻ những bài viết phản đối Facebook trên chính mạng xã hội này và tiếp tục dùng nó.

Rò rỉ thông tin 50 triệu người dùng: Đến lúc phải xóa tài khoản Facebook? - Hình 2

Bên cạnh việc kết nối mọi người, Facebook đang mang đến những tác động tiêu cực. (Ảnh: Reuters)

Liên quan vấn đề này, biên tập viên Arwa Mahdawi của The Guardian cho rằng, scandal của Cambridge Analytica là lý do để cho cô cắt đứt quan hệ với mạng xã hội Facebook.

Analytica cho biết, trong nhiều năm, sự phiền phức đến từ các mạng xã hội là quảng cáo, cô liên tục nhận được những quảng cáo về Facebook, Google và hàng loạt các công ty khác hoạt động kinh doanh dựa trên việc thu thập dữ liệu người dùng.

Chưa hết, Facebook còn đóng vai trò quan trọng khi tung ra những tin tức gây nhiễu, thậm chí là giả mạo, chỉ cần có đủ tiền, các công cụ của Facebook sẵn sàng phục vụ cho những mục đích xấu xa này.

"Thậm chí đột nhiên, Facebook được biến thành thực thể vô song có thể khiến mọi người làm bất cứ điều gì”, biên tập viên Mahdawi nhận định, Facebook là hệ thống giám sát người sử dụng.

Có nên xóa?

Tuy nhiên, việc xóa Facebook không phải là giải pháp hữu hiệu bởi một vài lý do.

Safiya Noble, trợ lý giao sư nghiên cứu về thông tin tại Đại học Nam California cho rằng: “Với nhiều người, Facebook là cánh cửa quan trọng để vào internet. Trên thực tế, một số người coi nó là phiên bản duy nhất của internet, nó đóng vai trò trung tâm trong việc giao tiếp, xây dựng cộng đồng và tham gia và xã hội trực tuyến”.

Việc xóa Facebook sẽ gây ra xáo trộn cho nhiều người và hiện nay gần như không có giải pháp thay thế nào tốt cho mạng xã hội này.

Tiếp đến, kể cả khi người sử dụng xóa toàn bộ hệ sinh thái ứng dụng của Facebook, bao gồm cả Instagram và WhatsApp, người sử dụng vẫn không thể tự bảo vệ mình khỏi các quá trình thu thập dữ liệu của các công ty.

Việc xóa ứng dụng Facebook, xóa tài khoản chỉ mang tác dụng làm thỏa mãn tinh thần cho cá nhân người thực hiện, còn hành động này chẳng đóng góp gì cho việc tìm giải pháp chống lại việc thu thập dữ liệu cá nhân mà hàng loạt các công ty âm thầm thực hiện, Safiya Noble nhận định.

Trong khi đó, Frederike Kaltheuner thuộc Cộng đồng Quyền riêng tư Quốc tế giải thích: “Bạn có thể xóa Facebook của mình nhưng bạn vẫn hoàn toàn bị tiếp tục theo dõi trực tuyến và thậm chí cả trong đời sống ngoại tuyến của mình. Điện thoại di động được đánh giá là thiết bị theo dõi”.

Những phát hiện gần đây về hành động mờ ám của Cambridge Analytica chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chỉ là phần rất nhỏ về việc dữ liệu của chúng ta bị sử dụng và lạm dụng thế nào. Tất cả những mảnh thông tin nhỏ nhất, rời rạc nhất của bất cứ ai trên internet đều có thể bị thu thập, ráp nối lại để định hình và suy đoán về tính cách của bạn.

Bên cạnh những công ty quá nổi tiếng như Facebook, hàng ngàn công ty ít nổi tiếng hơn đang tiếp tục kiếm chác từ việc khai thác và sử dụng dữ liệu về đời sống cá nhân của mỗi người một cách mờ ám.

Các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng này, ví dụ người dùng nên kiểm tra xem bản thân có vô tình cấp quyền truy cập dữ liệu cá nhân cho các bên thứ 3 hay không.

Chuyên gia Jim Killock, từ tổ chức Open Rights Group chuyên bảo vệ quyền riêng tư, đưa ra lời khuyên: “Hãy đăng ít hơn, chia sẻ ít hơn và quan trọng nhất là bỏ thích trang nào đó vì đây là cách mà Facebook cố gắng định hình bạn”.

Theo Nguyễn Tiến vtc.vn (Nguồn: The Guardian)