Trong khi an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề bức xúc, là nỗi lo thường trực của mỗi người dân trước bữa ăn hằng ngày thì lại xảy ra một chuyện rất trớ trêu ấy là thực phẩm sạch không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Vì sao lại như vậy?

Nhập nhèm sạch - bẩn

Thực ra xảy ra chuyện trớ trêu trên đây không phải là không có nguồn cơn của nó, phải bắt đầu từ nhận định của ông Trương Văn Thoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, một xã vốn có truyền thống trồng rau sạch mới thấy nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này: “Nhãn rau an toàn” ở Bắc Hồng có từ năm 1999. Thế nhưng do không có “đầu ra” nên người dân bỏ dần không trồng rau nữa mà thay vào đó chủ yếu là trồng lúa. Mà đầu ra cụ thể ở đây là ngoài thị trường, rau bẩn - rau sạch được bán nhập nhèm, chẳng có gì để phân biệt rõ ràng ngoài bao bì và nhãn mác. Tuy nhiên, những thứ ấy làm giả lại quá dễ nên dẫn đến một nghịch lý, người bán rau sạch thì “làm thật ăn giả” do đầu tư vào quy mô, kỹ thuật trồng rau nhiều… nên lãi không nhiều khi kinh doanh trong khi người bán rau bẩn thì lại “ăn thật làm giả” vì chỉ cần dán mác “an toàn” lên rau bẩn rồi bán với giá như rau sạch và thu lãi. Như vậy, công sức, nhọc nhằn của những người trồng rau sạch khác nào bị “ốc mò cò xơi”. Cho nên những người trồng rau sạch chẳng còn tâm lý nào để trồng rau sạch nữa”. Và khi những người trồng rau sạch chẳng còn tâm lý để làm ra sản phẩm của mình thì ngoài thị trường chủ yếu vẫn là nhập nhèm rau sạch - rau bẩn.

Trong suốt thời gian qua đã xảy ra đầy rẫy những chuyện như vậy, thậm chí ngay tại các vùng sản xuất rau sạch như quê hương của ông Thoa là một ví dụ. Trong một lần kiểm tra đột xuất gần đây nhất, Đoàn Thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phát hiện HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, xã Bắc Hồng đã lợi dụng giấy chứng nhận sản xuất rau sạch được cấp từ cơ quan chức năng để “gắn mác” cho những sản phẩm của mình rồi đổ buôn cho các siêu thị, cửa hàng bán rau sạch, bếp ăn… trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng thực tế những sản phẩm ấy, HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng đã thu gom từ nhiều nguồn khác nhau với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng để phân phối. Thậm chí, có những sản phẩm mà ngay trên xã Bắc Hồng không thể trồng trọt, sản xuất được như: quả và ngọn su su, bắp cải tím, khoai lang Nhật, dứa, giềng… HTX Bắc Hồng cũng thu mua để cung cấp mà không cần “ăn vụng phải chùi mép”.

Hay như Công ty CP Đầu tư phát triển siêu thị Ánh Dương, ở số 3, ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cũng đã bị Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội phát hiện chuyên cung cấp rau không rõ nguồn gốc xuất xứ cho nhiều siêu thị trên địa bàn thủ đô. “Quy trình sản xuất” rau của công ty này là thu gom các loại rau củ trôi nổi ngoài thị trường rồi mang về đóng gói, dán nhãn mác “rau an toàn” do công ty sản xuất sau khi đã “chế biến” nhặt bỏ lá úa vàng, già cỗi… Theo đại diện của Phòng Cảnh sát Môi trường, quy trình sản xuất ấy không những không đúng với quy trình sản xuất công ty đã đăng ký mà còn sai so với quy định. Chưa kể đến khu vực sơ chế rau xanh thì bẩn không bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rau sạch được bán tại siêu thị Hapro

Tuy nhiên, “nổi cộm” nhất phải kể đến “vụ” nấm kim chi được bày bán tại các siêu thị lớn như Fivimart, Big C cách đây không lâu. Với bao bì, nhãn mác ghi địa chỉ rõ ràng như: cơ sở sản xuất nấm Mai Hương, 155 Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội, thế nhưng sau khi điều tra, báo chí đã phát hiện, loại nấm được coi là “khoái khẩu” của nhiều người này thực ra không phải do cơ sở nói trên sản xuất mà được mua của một cơ sở ở Lạng Sơn. Cơ sở Lạng Sơn lại nhập nấm từ thị trường trôi nổi ở chợ biên giới mang bán cho cơ sở Mai Hương. Nhưng đáng trách nhất và được coi là “lừa đảo” nhất chính là cơ sở Mai Hương đã “hợp pháp hóa” sản phẩm trôi nổi đó bằng cách dán tem nhãn cho chúng rồi bán cho người tiêu dùng.

Phải lấy lại niềm tin

Từ những vụ nhập nhèm rau sạch - bẩn trên đây có thể nói không những người trồng rau sạch mất niềm tin mà ngay cả khách hàng cũng không còn tin tưởng vào những thực phẩm có “mác” an toàn. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phải khẳng định: “Người tiêu dùng đang trong cơn khủng hoảng niềm tin về chất lượng nông sản, thực phẩm”. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thì dẫn chứng cụ thể hơn khi phân tích: “Việt Nam có 147 loại rau quả đang xuất khẩu đi châu Âu, nơi có tiêu chuẩn về thực phẩm khắt khe nhất với sản lượng 150 nghìn tấn/năm và được họ phân vùng màu xanh trên bản đồ, tức là bảo đảm an toàn. Vậy mà ở trong nước, người dân không tin vào chất lượng nông sản của mình”. Ông Hồng cũng dẫn ra kết quả giám sát mới nhất cho thấy tỷ lệ vi phạm thấp, chỉ có 5-7% mẫu rau vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật, 2% mẫu thịt vượt ngưỡng kháng sinh… nghĩa là rất thấp so với… hình dung của người tiêu dùng!

Vậy để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng cũng như các hộ gia đình trồng rau “sạch” và “an toàn” hóa một cách tuyệt đối các sản phẩm nông lâm sản thực phẩm trên thị trường thì làm thế nào? Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, phải phát triển những đề án, mô hình về quản lý thực phẩm từ khâu đầu tiên đến cuối cùng, cụ thể như đề án quản lý: “Chuỗi thực phẩm an toàn” mà TP Hồ Chí Minh đang thí điểm. Đề án này, TP Hồ Chí Minh thực hiện theo cách: phối hợp với các tỉnh xây dựng các chuỗi rau muống, dưa leo, bắp cải, cà rốt… (nhóm rau củ quả), trứng, thịt gia cầm, thịt heo… (nhóm vật nuôi) và chuỗi thủy sản gồm: cá điêu hồng, tôm thẻ chân trắng, cá viên… ở các trang trại, nhà vườn đạt chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) hoặc chứng nhận tương đương vào các cơ sở sơ chế, đóng gói, giết mổ đạt chuẩn. Sau đó ký kết tiêu thụ tại những nơi bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Các sản phẩm này khi ra thị trường đều được dán logo để người tiêu dùng nhận diện.

Ông Nguyễn Xuân Hồng đánh giá đây là một kênh tiêu thụ giúp nông sản “sạch từ trang trại đến bàn ăn” và hỗ trợ những người nuôi trồng đi tiên phong. Ông cũng đề xuất một phương án khích lệ những người nuôi trồng nông sản sạch ấy là mở một chợ chuyên kinh doanh nông sản chất lượng cao ở TP Hồ Chí Minh. Vì hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối thì cả 3 chợ, nông sản nào cũng vào được, kể cả kém chất lượng. Không những chợ nông sản chất lượng cao đơn thuần chỉ là chợ mà nơi đây còn có phòng thí nghiệm để lấy mẫu test nhanh các sản phẩm kinh doanh trong chợ. Nếu phát hiện dương tính với bất kể vấn đề gì, sản phẩm sẽ chuyển sang kiểm tra định lượng và tạm dừng lưu thông lô hàng. Trong trường hợp nghiêm trọng sẽ tiêu hủy hoàn toàn đồng thời “cấm cửa” những sản phẩm như vậy để bảo vệ những người kinh doanh hàng sạch cũng như người tiêu dùng. “Làm như vậy để chợ nông sản chất lượng cao thực sự cao”, ông Hồng nói và ông hy vọng: “Khi có khu chuyên doanh nông sản chất lượng cao thì người tiêu dùng cần đến đây mua là yên tâm. Từ đó nhân rộng ra các chợ khác”.

Thực ra, những mô hình tương tự như “Chuỗi thực phẩm an toàn” cũng đã thực hiện ở miền Bắc, nhất là những vùng trồng rau sạch. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đã không được như mong muốn và thậm chí còn không tránh khỏi “vết xe đổ cũ” là cuối cùng lại nhập nhèm rau sạch - bẩn. Mà nguyên nhân chính là những người trong cuộc đã đúc kết ra là công tác quản lý, giám sát đã không chặt chẽ, đặc biệt là ở quá trình trồng trọt và khâu tiêu thụ. Vậy đối với “Chuỗi thực phẩm an toàn” mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện hy vọng sẽ mang lại kết quả lạc quan hơn để có thể nhân rộng ra toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho báo giới biết: Sắp tới VietGAP sẽ được áp dụng rộng rãi. Hiện Chính phủ đã có Quyết định 01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGAP, Bộ sẽ rà soát để ban hành thông tư áp dụng.


Theo Petro times