Quyết liệt vào cuộc dẹp loạn

Hơn chục chiếc tàu cuốc bất chấp lệnh cấm ngang nhiên khai thác cát

Mặc dù Chính phủ đãchỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, dưới “vỏ bọc” nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia, hàng chục chiếc tàu cuốc vẫn hối hả làm việc ngày đêm trên sông Hồng, khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi Chim giáp ranh 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam.

Mở đợt tấn công cao điểm chống cát tặc

Mới đây, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép đang gây bức xúc dư luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu nơi nào để xảy ra sai phạm trong quản lý khai thác cát sỏi thì kiên quyết xử lý nghiêm chính quyền địa phương và người đứng đầu.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng cần sớm mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6. Đồng thời, thực hiện rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật cho chặt chẽ để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Phó Thủ tướng cho rằng, một số cấp uỷ và chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho hành vi sai phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý còn chưa đồng bộ, hiệu quả.

“Phải thấy một thực tế, hoạt động khai thác cát trái phép, nhiều khi vẫn diễn ra công khai, ban ngày, liên tục mà không bị xử lý. Có tình trạng cơ quan chức năng địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí bao che cho tội phạm nếu không nói là bảo kê.

Đằng sau hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép, có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, xã hội đen. Hầu như địa phương chưa đánh giá khách quan về tình hình bức xúc này. Do đó, cần một quyết tâm lớn của cả các cấp, các ngành với các giải pháp đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi cho được tình trạng này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu, để đấu tranh có hiệu quả với nạn khai thác cát trái phép, cần thực hiện nghiêm túc pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần bổ sung và tăng cường chức năng của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm 138 từ Trung ương xuống địa phương đối với công tác này.

Có cơ chế xử lý, phối hợp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chống nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn. Với địa bàn giáp ranh mà các đối tượng khai cát trái phép lợi dụng để trốn tránh, thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải chống cho được việc lợi dụng được nạo vét để tận thu cát.

Bất chấp lệnh cấm vơ vét tận thu

Quyết liệt vào cuộc dẹp loạn

 Cục ĐTNĐ đã chỉ đạo dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy

Trước thực trạng cát tặc núp bóng nạo vét luồng lạch để tận thu cát diễn ra quá nóng tại nhiều địa phương gây bức xúc dư luận và các cơ quan quản lý, mới đây (ngày 6/4) thông tin trên báo chí, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ) đã tuyên bố: Dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy.

Cụ thể, theo ông Giang, Cục ĐTNĐ đã thống nhất không tiếp tục thông qua chủ trương các dự án mới. Với các dự án cũ, Cục đã kiên quyết chấm dứt 22 dự án mà nhà đầu tư không đảm bảo điều kiện triển khai. Với 16 dự án có thời gian triển khai vào năm 2015 - 2016, dù có thể gia hạn theo hợp đồng, song đến cuối năm 2016, Cục cũng đã chỉ đạo dừng.

Đến trước thời điểm tháng 2/2017, chỉ có 15 dự án đang triển khai. Tuy nhiên, qua kiểm tra thấy các dự án này có bất cập, trong đó có việc lắp thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo kết nối, gây khó cho kiểm tra giám sát..., Cục ĐTNĐ đã quyết định dừng tất cả các dự án này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV vào mùng 6 và mùng 7/4, tức là ngay trong ngày, Cục trưởng  Cục ĐTNĐ tuyên bố trên báo chí và 1 ngày sau đó về việc “dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy”, tại khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi Chim giáp ranh 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam dưới danh nghĩa nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa Quốc gia, hàng chục chiếc tàu cuốc vẫn hối hả làm việc ngày đêm trên sông Hồng, khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi Chim giáp ranh 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam. Ban ngày, 14 chiếc tàu nạo hút các vẫn hoạt động hết công suất, ban đêm các “thuyền viên” và các tàu cũng “lao động” không ngừng nghỉ.

Không hiểu lệnh cấm của Cục ĐTNĐ chưa đến tay doanh nghiệp khai thác cát hay là doanh nghiệp phớt lờ lệnh cấm của lãnh đạo Cục ĐTNĐ và chủ trương của Chính phủ?

Đặc biệt, vai trò của các cơ quan chức năng địa phương Thái Bình, Hà Nam, cảnh sát đường thủy… ở đâu, khi lệnh cấm đã ban hành, nhưng vẫn để doanh nghiệp khai thác tận thu cát tận diệt lòng sông cả ngày lẫn đêm như vậy?

Được biết, khu vực khai thác cát thuộc địa bàn được cấp phép của Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Phúc Lợi (Hà Nội), được Cục ĐTNĐ cấp phép thực hiện Dự án cải tạo luồng lạch sông Hồng năm 2014. Cụ thể tại HĐ số 32 thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia - sông Hồng khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi chân chim kết hợp tận thu sản phẩm do Cục phó Cục ĐTNĐ Hoàng Minh Toàn ký với thời gian nạo vét 4 năm từ mùa cạn năm 2014.

Đáng chú ý, theo Văn bản số 23-1/CĐTNĐ-KHĐT về việc chấp thuận phương tiện thi công nạo vét dự án nạo vét duy tu ĐTNĐ quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn tại khu vực Việt Hùng Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi chân chim trên sông Hồng qua địa bàn Hà Nam, do Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Trần Văn Thọ ký, có chấp thuận cho các phương tiện thi công của cty TNHH xây dựng và đầu tư Phúc Lợi Hà Nội gồm 2 danh mục tàu đặt cẩu và tàu chở hàng với các số đăng ký: HP-2313; HP-4350; HP-3794; HP- 2398; HP-4042.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV tại hiện trường khai thác cát ngày 6 và 7/4/2017, không hề có một tàu nào đúng số hiệu đã đăng ký với Cục ĐTNĐ, các tàu “lạ” không phải tàu đặt cẩu và tàu chở hàng thay vào đó là tàu cuốc ngang nhiên nạo hút cát trắng trợn ngày đêm, bất chấp lệnh cấm của Cục ĐTNĐ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng chính phủ Trương Hòa Bình.

Thanh tra bỏ lọt “cá lớn”?

Theo Kết luận thanh tra số 13731/KL-BGTVT ban hành ngày 27/12/2016 của Bộ GTVT thì bộ này đã phê duyệt, công bố 257 vị trí nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm. Trong đó, có 72 vị trí được nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án (chiếm 28%) còn 185 vị trí chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án (chiếm 72%).

Tuy nhiên, trong số 71 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, có tới 47 dự án là do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt cần phải nạo vét để khơi thông đường thủy nội địa (chiếm 66,2%). Vậy lý do gì 185 vị trí còn lại không có nhà đầu tư đăng ký thực hiện nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm?

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, doanh nghiệp chỉ chọn lựa những vị trí có nhiều tài nguyên cát để đăng ký, còn những vị trí không có tài nguyên thì chẳng thèm đoái hoài?

Cũng theo Kết luận thanh tra thì, trong số 71 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm, mới chỉ có 1 dự án đã hoàn thành nạo vét và bàn giao kết quả thực hiện.

Đáng chú ý, tại Phụ lục 4 danh sách các dự án nạo vét luồng thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được thanh tra theo Kết luận số 13731/KL-BGTVT ban hành ngày 27/22/2016, có 10 công ty bị thanh tra, tuy nhiên lại không hề có tên của Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Phúc Lợi (Hà Nội), mặc dù công ty này đã "làm mưa, làm gió" tại địa bàn Hà Nam và Thái Bình, gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương ven 2 bờ sông Hồng.

Việc khai thác cát của công ty này gây nguy cơ sạt lở bờ kè, cuốn trôi đất sản xuất, khiến người dân đã có hành động tự phát đánh đắm con tàu cuốc hút cát số 19 của Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Phúc Lợi Hà Nội. Thậm chí, không thể chịu nổi tiếng ồn và nguy cơ sụt lở đê kè, đất canh tác, người dân xã Chân Lý đã đến văn phòng đại diện của doanh nghiệp để yêu cầu dừng hút cát. Thế nhưng, những nhân viên ở đây lại xì hơi ga, tạt xăng, dọa đốt người dân. Hậu quả của vụ việc đã làm ông Trần Đăng Trào bị bỏng mắt độ 2…

Đặc biệt, mặc dù chưa được tỉnh Thái Bình cấp phép, nhưng theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, không chỉ nạo vét tận thu cát tại địa bàn Hà Nam, khu vực sông Hồng thuộc địa bàn giáp ranh giữa huyện Hưng Hà – Thái Bình và Lý Nhân – Hà Nam cát tặc tung hoành cả ngày lẫn đêm, nhưng vẫn không có một lực lượng nào ra quân xử lý?

 Báo cáo của Cục ĐTNĐ cho biết: Trên dòng chảy sông Hồng thuộc địa bàn 4 tỉnh Hà Nam – Thái Bình – Hưng Yên – Nam Định, hiện có 1 dự án nạo vét dòng chảy trên khu vực Việt Hùng – Phạm Lỗ, Hà Nam và Bãi Chim. Như vậy, theo các quy định hiện hành thì doanh nghiệp khi thực hiện dự án, phải được sự chấp thuận và bàn giao mốc giới của chính quyền các địa phương nơi dự án đi qua.

 Thế nhưng, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: Thái Bình không chấp thuận cho bất cứ một dự án nạo vét dòng chảy nào trên địa bàn tỉnh.

Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự bao che để Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Phúc Lợi Hà Nội có thể “một tay che trời” khai thác cát bất kể ngày đêm tại Hà Nam - Thái Bình?

Lý do gì, một công ty có quá nhiều sai phạm, gây bức xúc cho chính quyền và người dân địa phương tại Hà Nam - Thái Bình, nhưng Thanh tra Bộ GTVT lại bỏ sót “cá lớn” như vậy?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV