Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, đặc thù của mỗi vùng, địa phương, hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả..
Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình bày: Báo cáo bao gồm những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng... Các định hướng này sẽ được cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông qua trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các định hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực; căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số quan điểm trong quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm: Phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của quốc gia, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.
Phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, đặc thù của mỗi vùng, địa phương, hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả. Phát triển theo hướng bền vững, hướng tới phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng. Bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức không gian phát triển quốc gia gắn hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển dài hạn. Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước và trên các vùng; tăng cường liên kết đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, sinh thái. Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.
Về phát triển các hành lang kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và các hành lang kinh tế Đông – Tây. Dự kiến có 2 hành lang Bắc – Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.
Về các hành lang kinh tế Đông – Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi như: Có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế.; Có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị…
Q.N (t/h)