Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 16-NQ/TU, các văn bản chỉ đạo của tỉnh liên quan gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đến các chi, đảng bộ cơ sở bằng nhiều hình thức: Hội nghị quán triệt; lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; sao gửi văn bản, tài liệu; phương tiện thông tin đại chúng; hội nghị báo cáo viên; phổ biến trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề...

Các địa phương có nhiều tài nguyên than như Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả; thường trực cấp ủy thường xuyên chỉ đạo các nội dung về quản lý than, khoáng sản trong các cuộc giao ban công tác nội chính định kỳ của địa phương, đánh giá đúng tình hình, chỉ ra những nguy cơ vi phạm tiềm ẩn để có giải pháp phòng ngừa, chấn chỉnh kịp thời, không để các vi phạm về than trở thành “điểm nóng” về ANTT.

Lãnh đạo TKV kiểm tra công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản tại Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin.
Lãnh đạo TKV kiểm tra công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản tại Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin. (Ảnh: Hoàng Yến)

Các đơn vị ngành Than, từ năm 2019 đến nay tăng cường quán triệt Nghị quyết số 16-NQ/TU cho cán bộ chủ chốt trong Đảng bộ; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, bản tin của ngành; chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc quán triệt các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác quản lý tài nguyên than…

Tỉnh đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch vùng than Quảng Ninh bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý khoáng sản đi kèm từ quá trình sản xuất than trong khu vực được cấp phép khai thác, đảm bảo quy định pháp luật; chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Than tham mưu, đề xuất việc quản lý bã sàng, đá xít, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật…

Các ngành chức năng phối hợp cùng các doanh nghiệp ngành Than đẩy mạnh đấu tranh xử lý vi phạm, tăng cường quản lý tài nguyên, tuyến vận tải, tiêu thụ; thường xuyên nắm bắt tình hình, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo; phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, sản phẩm than; hình thành và vận hành tốt cơ chế trách nhiệm theo hướng cụ thể, rõ đầu mối, nêu cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu.

Đoàn viên thanh niên ngành Than tham gia trồng cây tại Khu vực mặt bằng +82 Đông Nam khai trường mỏ, Công ty CP Than Cọc Sáu.
Đoàn viên thanh niên ngành Than tham gia trồng cây tại Khu vực mặt bằng +82 Đông Nam khai trường mỏ, Công ty CP Than Cọc Sáu. (Ảnh: Phạm Tăng)

Tỉnh, các địa phương thành lập, duy trì hoạt động của đội liên ngành kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh than trái phép trên địa bàn; tăng cường kiểm tra các khu vực tiềm ẩn nguy cơ thăm dò, khai thác than trái phép. Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 726 vụ/813 đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển than trái phép; khởi tố, giải quyết 3 vụ/24 bị can; thu giữ 127.138.87 tấn than các loại, 27.711.44 tấn sản phẩm ngoài than, trị giá trên 202 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 795 đối tượng trên 9 tỷ đồng.

TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tích cực phối hợp với tỉnh trong công tác quản lý đất đai, ranh giới thuê đất; ranh giới giấy phép khai thác và ranh giới quản lý tài nguyên;… Các đơn vị ngành Than chủ động thực hiện tốt quy chế phối hợp với chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) trong xử lý những vấn đề phát sinh, thường xuyên trao đổi tình hình, chủ động ngăn chặn các hành vi vi phạm ranh giới tài nguyên, khoáng sản và đảm bảo ANTT trong ranh giới mỏ.

Các đơn vị ngành Than tích cực trong ứng dụng KHKT vào sản xuất; thực hiện đầy đủ thủ tục, các giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến, tiêu thụ than. Đến nay đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường khoảng 1.330ha; việc tổ chức vận chuyển than ra các kho cảng qua các tuyến đường chuyên dùng để chế biến tiêu thụ, các xe tham gia vận chuyển than đều được gắn định vị GPS, gắn logo của tên đơn vị vận chuyển, thực hiện đúng quy định bảo đảm vệ sinh môi trường… Trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn các điểm gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, vận tải, kinh doanh than.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên than của tỉnh được nâng lên rõ rệt. Tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình, không để hình thành các “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển, chế biến kinh doanh than trái phép. Điều này góp phần giúp ngành Than duy trì mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo việc làm, đời sống cho gần 78.000 CBCNLĐ của ngành trên địa bàn tỉnh.

Trần Trang (t/h)