LTS: Aloha Mall được biết đến là hệ thống siêu thị lớn, chỉ sau Vinmart, Big C, LanChi Mart,… có 11 siêu thị nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên và Quảng Ninh thuộc Công ty TNHH Thái Hưng có địa chỉ số 2269 Đại lộ Hùng Vương - TP Việt Trì - Tỉnh Phú Thọ. Slogan của Aloha Mall là “Triệu gia đình – Triệu niềm vui”, đồng thời siêu thị này cũng cam kết ở đâu bán rẻ, Aloha Mall bán rẻ hơn. Thế nhưng, chất lượng hàng hóa có đạt chuẩn hay không? Và tại sao những mặt hàng giả được bày bán một cách công khai như vậy? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu
Trước đó, chúng tôi đã có bài viết: “La liệt hàng hoá trôi nổi ở siêu thị Aloha Mall Đầm Hà Quảng Ninh”
//wwwiso.com/quang-ninh-la-liet-hang-hoa-troi-noi-ngap-tran-sieu-thi-aloha-mall-dam-ha-a165463.html
Hàng giả “lộng hành” ở siêu thị Aloha Mall Đông Triều
Ngày 14/3, PV Thương hiệu và Công luận có mặt tại siêu thị Aloha Mall Đông Triều, theo ghi nhận tại các gian hàng trong siêu thị Aloha Mall Đông Triều đang bày bán nhiều mặt hàng trôi nổi, hàng giả hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại gian hàng thời trang trong siêu thị, nhiều mặt hàng quần áo, giày dép, thắt lưng… trên mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc của sản phẩm.
Gian hàng đồ gia dụng, điện tử la liệt các mặt hàng toàn tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hàng loạt thực phẩm đóng gói cũng không có tem nhãn phụ, toàn tiếng nước ngoài...
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; Nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu. Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì.
Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...
Tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Có hay không sự tiếp tay của Đội Quản lý thị trường số 7
Sau khi phát hiện nghi vấn về vấn đề hàng giả tại siêu thị Aloha Mall Đông Triều, 16 giờ 37 phút ngày 14/3, phóng viên có liên hệ với ông Nguyễn Văn Thạch – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phối hợp cùng báo chí, tuy nhiên ông Thạch cho biết đã hết giờ hành chính.
Sau một hồi trao đổi, ông Thạch cho biết sẽ cử cán bộ của đội xuống phối hợp, xác minh thông tin vụ việc. Đến 17 giờ 10 phút cùng ngày, một cán bộ tự giới thiệu tên Dũng thuộc Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp cùng phóng viên xác minh hàng hoá tại siêu thị Aloha Mall Đông Triều. Tại đây, ông Dũng nhận định có tình trạng bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng không tem nhãn phụ,… trong siêu thị Aloha Mall Đông Triều.
Khi phóng viên liên lạc với ông Thạch đề nghị lập biên bản kiểm tra, tuy nhiên ông Thạch cho biết: “Giờ này không phải giờ hành chính nên triệu tập anh em rất khó.” Ông Thạch hẹn phóng viên 8 giờ sáng mai (tức ngày 15/3) sẽ cùng phóng viên phối hợp kiểm tra, xác minh, xử lý.
8h30 sáng ngày 15/3, phóng viên có mặt tại trụ sở Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, ông Thạch cho biết đơn vị phải báo cáo uỷ ban thị xã Đông Triều, Công anh huyện Đông Triều để thành lập đoàn kiểm tra. Tới 10h sáng cùng ngày, đội liên ngành mới tiến hành kiểm tra siêu thị Aloha Mall Đông Triều trước sự giám sát của phóng viên Thương hiệu và Công luận.
Thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 7, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 11 loại hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike, Louis Vuiton. Toàn bộ 11 mặt hàng không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, có các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike, Louis Vuiton: Không có vỏ hộp, bao bì kèm theo, không có nhãn ID, được in, thêu trên các sản phẩm không sắc nét, đồng đều kích thước. Kiểm tra mặt hàng thực phẩm, phát hiện 6 mặt hàng thực phẩm là hàng hoá nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt. Tại gian hàng đồ chơi trẻ em, phát hiện 8 mặt hàng đồ chơi trẻ em là hàng hoá nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Về vấn đề hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu phóng viên đề nghị đội quản lý thị trường kiểm tra kho hàng để xác minh số lượng hàng giả nhãn hiệu là bao nhiêu thế nhưng ông Dũng thành viên kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 7 cho biết: “Nếu kiểm tra kho phải có quyết định kiểm tra kho, còn hôm nay chỉ kiểm tra về hàng hoá đang bày bán tại cửa hàng”?
Điều lấy làm lạ là khi phóng viên cho biết rất nhiều mặt hàng bên ngoài không có nhãn mác phụ tại sao lực lượng chức năng không kiểm điểm thì lực lượng quản lý thị trường chỉ im lặng không hề có động thái kiểm đếm số hàng không có tem nhãn phụ được siêu thị bày bán ngoài kệ? Vậy sự im lặng của lực lượng chức năng ở đây là gì? Có hay chăng là sự tiếp tay cho hàng vi phạm nhãn mác lộng hành?
Ngoài sự im lặng của cơ quan chức năng, phóng viên còn ghi nhận được những hành động lạ của nhân viên siêu thị Aloha Mall Đông Triều. Cụ thể, khi phóng viên và đoàn kiểm tra xuất hiện, nhân viên siêu thị cũng đồng loạt đi kiểm tra hàng hoá trên các kệ, cho vào xe đẩy các mặt hàng được in, thêu thương hiệu Gucci, Dior,… cùng các mặt hàng gia dụng rồi “biến mất” vào trong kho?
Ngày 22/03, PV liên hệ với ông Nguyễn Văn Thạch – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh để lấy biên bản kiểm tra tại hiện trường ngày 15/3, ông Thạch cho biết đơn vị không thể cung cấp với lý do đây là tài liệu mật của cơ quan.
Đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xử lý rõ vụ việc.
Kiều Tuyết - Trần Trang