Quảng Ninh là địa phương nằm trong địa bàn động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, hình thành tam giác phát triển, đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sức lan tỏa trong quá trình phát triển của cả Vùng.

Hơn nữa, Quảng Ninh còn là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận tiện, có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á và các nước thuộc khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng và đã có bước phát triển mới khá toàn diện. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)trong 7 năm liên tục đạt mức 2 con số, năm 2022 đạt 10,28%, 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng đạt 9,46%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đóng góp các giải pháp về chính sách tại Hội nghị. Ảnh: Như Trung.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đóng góp các giải pháp về chính sách tại Hội nghị. Ảnh: Như Trung.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể. Qua đó, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh.

Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 2 lần dẫn đầu đồng thời 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR In dex (năm 2020, 2022).

Với góc độ của địa phương, đại diện cho tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp 7 giải pháp về chính sách để phát triển Trung tâm Kinh tế biển và Tam giác động lực vùng đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, theo ông Huy, giải pháp đầu tiên là cần tiếp tụchoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, cần xây dựng và triển khai quyết liệt, có hiệu quả các định hướng, quan điểm, chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh để phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Nghị quyết số 36 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp để xây dựng các cơ chế, chính sách, đề án trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện thể chế tạo đột phá cho phát triển vùng. Đơn cử như Quảng Ninh phối hợp với thành phố Hải Phòng cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á và là động lực phát triển của vùng; phối hợp với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng để cùng Bộ Tài chính về xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để khuyến khích nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu; cho phép địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án vùng, liên vùng; Xây dựng các đề án tạo đột phá cho phát triển, gồm: Đề án phát triển KKT Vân Đồn, Đề án thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Móng Cái…

Nhóm giải pháp thứ hai là phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển kinh tế Vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Quảng Ninh cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, … Quảng Ninh phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

Để xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế thì Quảng Ninh phải đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước…

Mặt khác, để thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới giao thông huyết mạch, kết nối vùng, liên vùng thì cần cho phép “cơ chế mở” để các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng có thể sử dụng ngân sách của mình để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ, các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng như đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, Quốc lộ 4B, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân…

Để kinh tế phát triển bền vững Quảng Ninh nên tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế của Vùng đồng bằng sông Hồng như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; cùng với Hải Phòng, trong thời gian tới, phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng…

Nhóm chính sách thứ ba là phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Đối với Quảng Ninh, tỉnh đang phát triển Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây của tỉnh và của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Khu kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp đẳng cấp quốc tế; Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế phát triển năng động, bền vững của tỉnh và của vùng Đông Bắc, đồng thời là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.

Nhóm chính sách thứ tư, năm và sáu được Quảng Ninh đề xuất nên tập trung vào phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Trong đó, Quảng Ninh cần đặc biệt xem xét xây dựng hệ quy chuẩn văn hóa, con người đặc trưng, đáng tự hào của Vùng đồng bằng sông Hồng (năng động, cần cù, nhạy bén, trách nhiệm).

Và cuối cùng là Quảng Ninh xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo.

“Tỉnh Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vị thế, vai trò là một trong những trung tâm, động lực tăng trưởng kinh tế mới của Vùng và cả nước với nhiều kỳ vọng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh các giải pháp chính sách phát triển Trung tâm Kinh tế biển và tam giác động lực vùng đồng bằng sông Hồng như đã chia sẻ tại hội nghị này”, ông Huy chia sẻ.

Trần Trang (T/h)