Khẩn trương vào cuộc
Với đặc thù có cả cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không, Quảng Ninh là một trong những địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ dịch nCoV xâm nhập rất cao. Thực hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay từ đầu, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương vào cuộc, đưa ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện.
Theo đó, ngày 29/1, UBND tỉnh đã ban hành QĐ số 320/QĐ-UBND thành lập BCĐ phòng chống dịch nCoV (do PCT UBND tỉnh Cao Tường Huy làm Trưởng ban). Cũng trong ngày 29/1, Sở Y tế đã khẩn trương thành lập 2 tiểu ban chỉ đạo: Điều trị viêm phổi dịch nCoV; giám sát phòng chống dịch dịch nCoV.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP. Móng Cái
Ngay trong ngày khai xuân đầu năm mới Canh Tý (mùng 6 Tết), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp và được truyền trực tuyến đến các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc là Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà để chỉ đạo công tác phòng chống dịch dịch nCoV.
Cùng với việc triệu tập các cuộc họp khẩn để chỉ đạo các phương án cấp bách phòng chống dịch đến các cấp, các ngành, địa phương, trực tiếp các cán bộ lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, ngành.
Tỉnh xác định rõ địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao là TP. Móng Cái. Vì vậy, cần phải nhận diện rõ và tập trung các biện pháp hạn chế việc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Ngày 4/2, bệnh viện dã chiến đầu tiên được lập tại TP. Móng Cái, trên cơ sở khu nhà khám và điều trị của Trung tâm Y tế TP. Móng Cái vừa xây mới với 5 tầng, công suất 500 giường bệnh, tổng diện tích sàn khoảng 10.000 m2. Đây là nơi tiếp nhận cư dân biên giới và toàn bộ người nghi nhiễm bệnh sau khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Cùng với đó, bệnh viện dã chiến thứ 2 được trưng dụng từ BV Lao và Phổi Quảng Ninh (phường Hà Khánh, TP. Hạ Long). BV cũng có công suất 500 giường, là nơi thu dung người nghi nhiễm nCoV tại khu vực TP. Hạ Long.
Mục tiêu cao nhất của tỉnh là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, an toàn cho người dân lên hàng đầu, nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; nêu cao vai trò người đứng đầu các địa phương, nhất là địa phương biên giới, có cửa khẩu.
Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, Quảng Ninh phải chủ động về mọi nguồn lực để dập dịch, không chờ đợi Trung ương hỗ trợ.
Phòng chống dịch nCoV là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, mỗi người dân, DN lấy phòng ngừa là chính, không để bị động bất ngờ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Phòng dịch, nhưng lấy người dân làm trung tâm. Vì vậy, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh, cập nhật đúng tình hình, đặc biệt chú ý đến những đối tượng nhạy cảm như hoạt động thăm thân, người đi du học, học sinh, sinh viên, các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu.
Công tác phòng chống dịch tại TP. Móng Cái
Vượt qua thách thức
Với tinh thần khẩn trương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những giải pháp đồng bộ, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh dịch nCoV.
Tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về các nội dung liên quan đến kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 của tỉnh ngày 5/2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định:
“Những tác động từ dịch bệnh là không nhỏ, bao trùm lên nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực và đây sẽ là thách thức rất lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh. Song, với tinh thần quyết liệt và nỗ lực, tỉnh sẽ không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, mục tiêu, đảm bảo thực hiện đúng theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra”.
Theo đó, các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế đặt ra tại NQ 20-NQ/TU và NQ 230/NQ-HĐND được xác định khi chưa có yếu tố ảnh hưởng của dịch nCoV. Do vậy, khi dịch đã - đang và sẽ có những tác động xấu đến kinh tế - xã hội, thì việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ khó khăn hơn nhiều so dự kiến ban đầu, nhất là đối với ngành du lịch, dịch vụ…
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo làm rõ những khó khăn, thuận lợi sẽ tác động tới các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Đồng thời, thống nhất quan điểm sẽ không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Tuy nhiên, tỉnh cần phải điều chỉnh về một số chỉ tiêu kinh tế trong từng giai đoạn, thời điểm của năm, phù hợp với tình hình thực tiễn, để đảm bảo mục tiêu cho cả năm 2020 sẽ không thay đổi.
Theo đó, các sở, ngành đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh một số giải pháp liên quan: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển DN, nhất là DN công nghệ cao; đẩy nhanh các dự án trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án; kích cầu du lịch khi hết dịch bệnh…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng sở, ngành phải có những giải pháp cụ thể và nỗ lực hơn so với những năm trước; xây dựng và sớm thực hiện những chương trình hành động cụ thể, có hiệu quả; hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ dịch bệnh và phải có phương án bù đắp các chỉ tiêu dự kiến sẽ giảm trong năm nay.
Giao Sở KH&ĐT, trên cơ sở báo cáo của các ngành, tổng hợp tham mưu lãnh đạo tỉnh về việc điều chỉnh thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong từng giai đoạn trong năm. Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành để các chỉ tiêu tăng trưởng đến hết năm 2020 đảm bảo theo chỉ đạo của tỉnh.
Song song đó, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tập trung tham mưu lãnh đạo tỉnh tăng cường các giải pháp tăng trưởng kinh tế trên cơ sở bù đắp những thiếu hụt từ ngành du lịch. Tận dụng tối đa dư địa phát triển của ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh và có khả năng phục hồi tốt hơn. Quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Đối với các khoản thu lớn, trong đó có số thu từ đất, cần tiếp tục có sự điều chỉnh để số thu từ cấp quyền sử dụng đất sẽ giảm trong tổng cơ cấu thu.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; tạo thuận lợi trong thành lập DN mới; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên.
Đối với hoạt động XNK hàng hóa, cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu...
Trang Trần