Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đối với Sở Xây dựng thành phố.

Báo cáo tại giám sát, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, UBND TP. Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành thành phố, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 3333/KH-UBND của UBND TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực
Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực (Ảnh: Hoàng Bách)

Kết quả, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 3.085 công trình vi phạm, bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 80,2% so với trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố có 1.418 công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Đồng thời, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực xây dựng, trật tự xây dựng được Sở Xây dựng quan tâm, chú trọng thực hiện thường xuyên.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức Thanh tra Sở Xây dựng thông qua các lớp do Sở Nội vụ tổ chức được quan tâm, chú trọng.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật; nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các công chức có vi phạm, thiếu sót trong công tác quản lý trật tự xây dựng và công tác xử lý vi phạm hành chính.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, Sở Xây dựng đã ban hành 45 văn bản và tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Về công  tác kiểm tra, giám sát về hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, ông Trương Công Nam cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 27 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng như hoạt động không đủ điều kiện năng lực theo quy định; hoạt động xây dựng không có chứng chỉ năng lực hoặc chứng chỉ năng lực hết hiệu lực.

Kết luận tại giám sát, ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đạt một số kết quả bước đầu.

Trong thời gian tới, ông Phạm Thành Kiên đề nghị Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cần phối hợp với UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức trong tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, không để các công trình xây dựng vi phạm tồn đọng kéo dài nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Trong quá trình thực hiện, cần lưu ý kết hợp nhiều cách thức, vừa tuyên truyền, vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ, vừa có kế hoạch cụ thể về lộ trình, thời gian tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, đảm bảo đúng tiến độ đề ra", ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh.

Đối với các khu vực đã tổ chức cưỡng chế, ông Phạm Thành Kiên yêu cầu cần tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để người dân, tổ chức thực hiện đúng quy định pháp luật đất đai, xây dựng, thường xuyên tái kiểm tra, không để phát sinh trở lại.

Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác tuần tra, giám sát, nắm bắt địa bàn, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng để kịp thời hướng dẫn xử lý, không để phát sinh khối lượng sai phạm; quan tâm thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến trật tự xây dựng, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn quận, huyện, TP. Thủ Đức nói riêng nhất là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, chủ đầu tư.

Hoàng Bách (t/h)