THCL Theo các chuyên gia y tế, việc cấp phép, quản lý thực phẩm chức năng đã bộc lộ quá nhiều kẽ hở, nhất là khâu cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thiếu chặt chẽ, khiến thị trường này ngày càng trở nên khó kiểm soát…
Vi phạm tràn lan
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã xử phạt hàng chục DN về các hành vi vi phạm quảng cáo về thực phẩm chức năng (TPCN). Mới đây nhất, 6 công ty do vi phạm các quy định về ATTP, quảng cáo sai quy định đã bị cơ quan này xử phạt.
Điều đáng nói, do lợi nhuận “khủng” thu về từ kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng nên ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây tham gia buôn bán, số vụ vi phạm ngày càng gia tăng.
BCĐ 389/QG cho biết, đối với dược phẩm, TPCN, một số cơ sở đăng ký tên DN trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng. Các đối tượng này chủ yếu thuê gia công sản phẩm tại cơ sở sản xuất, đặt in tem ở Trung Quốc, rồi tuồn hàng về Việt Nam tiêu thụ.
Thiếu tá Trần Tuấn Phương, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an Hà Nội) cho hay, các đối tượng thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm này thì đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả vào và tung ra thị trường.
Hầu hết nguyên liệu TPCN, các đối tượng nhập về đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ mạt, nhưng khi ra sản phẩm bán ra thị trường thì lại được "phù phép" thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia… nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Qua các vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy, các đối tượng đã đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng.
Theo thống kê của Cục ATTP, tại Hà Nội và TP. HCM, có trên 50% số người trưởng thành sử dụng TPCN, nhưng không mấy người có kiến thức chuyên môn cần thiết về TPCN là vô cùng nguy hiểm.
Cấp phép ồ ạt
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều đáng lo ngại ở đây là việc cấp phép, quản lý TPCN bộc lộ quá nhiều kẽ hở, khâu cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất TPCN còn khá đơn giản, giữa nhà máy có tiêu chuẩn cao và nhà máy có tiêu chuẩn cơ sở chưa có sự phân biệt rõ ràng về nội dung khi ghi nhãn đơn vị sản xuất, làm nản lòng các DN đầu tư máy móc có tiêu chuẩn cao…
Bởi theo thống kê của Cục ATTP, nếu cách đây khoảng 10 năm, cả nước có chưa đầy 50 DN nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh TPCN, thì hiện nay đã có gần 2.000 DN sản xuất và kinh doanh 10.000 sản phẩm TPCN. Chỉ tính riêng trong năm 2014, cơ quan chức năng đã cấp giấy xác nhận cho 7.346 sản phẩm TPCN.
Theo thông tin từ Cục ATTP cho thấy: Số sản phẩm TPCN được cấp giấy xác nhận công bố từ năm 2014 đến nay là trên 10.000 sản phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Cục mới chỉ thu hồi được 5 giấy xác nhận công bố sản phẩm và 6 giấy xác nhận nội dung quảng cáo do các vi phạm của DN.
PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định: Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 đơn vị nhập vào Việt Nam (Việt Nam chưa sản xuất), thì đến nay cả nước đã có tới hàng nghìn DN tham gia kinh doanh sản phẩm này. Trong đó, tỷ trọng TPCN nhập khẩu hơn 80%, sản xuất trong nước chưa tới 20% nếu cơ quan chức năng không kiểm soát chặt thì quá nguy hiểm.
“Chính nhu cầu cao đang mở cơ hội cho hầu hết các DN dược cũng nhảy vào sản xuất, kinh doanh TPCN. Bên cạnh đó, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng vì thế mà có cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Ngay cả cơ quan chức năng cũng thừa nhận là khó mà quản lý thì người tiêu dùng, không chỉ bỏ tiền thật mua của giả, mà còn bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng”, ông Đáng nói.
Thiên Đức – Duy Thế (Thương hiệu & Công luận)