Siết chặt quản lý, ổn định thị trường
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Tây Ninh Hồng Văn Hoàng, thời gian qua, tình hình cung cầu hàng hóa tại tỉnh ổn định, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống hoạt động bình thường, hàng hóa dồi dào, đa dạng, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến.
Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi. Hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài mà ngay chính những sản phẩm trong nước cũng trở thành mục tiêu của các đối tượng.
Chủng loại hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại hay các sản phẩm đồ chơi lắp ghép dành cho trẻ em...
Bên cạnh đó, do nhu cầu thị trường, các đối tượng kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vi phạm vẫn tìm nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng.
Tây Ninh là tỉnh có địa bàn rộng, phức tạp, cùng nhiều đường mòn, lối mở, đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn chia nhỏ hàng hóa vận chuyển trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe taxi, xe bưu chính; cất giấu, ngụy trang tang vật nằm trong các mặt hàng tiêu dùng khác; trà trộn hàng giả với hàng thật, khi vận chuyển thì thay đổi xe, biển số xe, thay đổi thời gian, tuyến đường vận chuyển; hợp thức hóa hàng nhập lậu bằng hóa đơn, quay vòng hóa đơn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Phó cục trưởng Hồng Văn Hoàng cho biết, trước thực trạng trên, lực lượng QLTT tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nghiêm túc, đúng theo các kế hoạch, chỉ thị, chỉ đạo, công văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh Tây Ninh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục QLTT tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý chặt chẽ địa bàn; đồng thời phối hợp thường xuyên với các ban, ngành trong công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vụ việc có liên quan.
Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.
Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra 236 vụ, số vụ vi phạm là 121 vụ. Tổng số tiền nộp ngân sách: 1.576.470.375 đồng (so kế hoạch đạt 28,66%).
Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa trên “chợ”online
Theo Phó cục trưởng Cục QLTT Tây Ninh Hồng Văn Hoàng, hiện nay, việc kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ, bởi những ưu điểm như: nhanh chóng, tiện lợi, không cần tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm được chi phí mặt bằng, vật tư, đối tượng nào cũng có thể tham gia.... Nên việc quản lý kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Do các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ để sản xuất - kinh doanh sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái bán trà trộn với hàng thật, có mạng lưới phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Việc bán hàng qua mạng không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.
Bên cạnh đó, có nhiều địa chỉ bán hàng online nhưng thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ; thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Để chủ động ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Cục cũng thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử có nhiệm vụ nắm bắt tình hình, theo dõi các địa chỉ, trang mạng xã hội thường xuyên livestream để bán hàng online, từ đó truy dấu kho, địa điểm kinh doanh và kiểm tra, xử lý kịp thời.
Cục giám sát thường xuyên các kho hàng của các đơn vị dịch vụ vận chuyển, chuyển phát giao hàng để khi có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý ngay. Cử công chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Cục cũng phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong việc thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để hoạt động thương mại điện tử ngày càng minh bạch và phục vụ tốt cho người tiêu dùng.
Đồng thời, Cục báo cáo Cục trưởng Cục QLTT để chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh trên không gian mạng thuộc thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường.
Đến nay, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử đạt được những kết quả tích cực, đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm hành chính, nhất là những vụ việc liên quan đến các đối tượng kinh doanh trên mạng Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử Shopee…
Phó cục trưởng Cục QLTT Tây Ninh Hồng Văn Hoàng cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, BCĐ389 Quốc gia, UBND tỉnh Tây Ninh;
Chỉ đạo các Đội QLTT tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và ký cam kết theo quy định. Kiểm tra ngăn chặn các hành vi mua bán vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu từ biên giới vào nội địa, các tập kết, điểm lên xuống hàng hóa;
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo dõi nắm diễn biến tình hình thị trường về cung cầu, giá cả, hàng hóa; phát hiện và xử lý kịp thời khi có xảy ra hiện tượng bất ổn thị trường;
Rà soát, phân loại website bán hàng, sàn thương mại điện tử để xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử.
Hoàng Bách