Hình thành trên cơ sở hợp nhất định chế tài chính lớn là Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC – Tổng Công ty thành viên trực thuộc Petro Vietnam) với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western bank), tính đến hết 31/12/2013, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PV Combank) thuộc top ngân hàng TMCP khủng trong nước với tổng tài sản lên tới 100.656 tỷ đồng, Vốn Điều lệ tới 9.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9.694 tỷ đồng... (theo nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán 2013 PVB )
Điều ngạc nhiên là với Vốn Điều lệ lớn và khối lượng tài sản khổng lồ như vậy, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh của PV Combank hết sức khiêm tốn, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 28 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản 0,028%, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,29%, tức 01 đồng vốn góp của cổ đông chỉ sinh lợi chưa đến 0,3 xu.
Theo Báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2013 của PV Combank, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đưa ra khá nhiều điểm loại trừ, trong đó đáng chú ý có Thuyết minh số 13 liên quan đến khoản góp vốn đầu tư dài hạn của Ngân hàng vào Công ty cổ phần Mỹ Khê Việt Nam (được ghi nhận là 1 trong 5 công ty con của PV Combank).
Được biết, Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam (tiền thân là Công ty CP Du lịch biển Mỹ Khê) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4300402211 lần đầu ngày 29/12/2008 với vốn Điều lệ đăng ký 400 tỷ đồng (trong đó PVFC là cổ đông sáng lập với giá trị vốn đăng ký góp là 399,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,98% VĐL Mỹ Khê). Thực tế đến nay, VĐL của Mỹ Khê Việt Nam là 210,1 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn thực góp của PVFC là 210 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,95% Vốn Điều lệ thực góp của Mỹ Khê Việt Nam. Như vậy, trên thực tế PVFC sở hữu hoàn toàn Mỹ Khê Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành “Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng”, thì “Mức đầu tư vào một khoản đầu tư thương mại của Tổ chức tín dụng tối đa không được vượt quá 11% Vốn điều lệ của Doanh nghiệp, quỹ đầu tư hoặc 11% giá trị dự án đầu tư”.
Như vậy, ngay từ khi mới thành lập, tỷ lệ vốn tham gia của PVFC vào Mỹ Khê Việt Nam đã gấp tới hơn 9 lần so với mức tối đa quy định của Ngân hàng Nhà nước?!
Theo quy định tại khoản 1, Điều 129 Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, ngày 16/6/2010: “Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật này không được vượt quá 11% Vốn Điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp”.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 129 Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, ngày 16/6/2010: “Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp”.
Hành lang pháp lý rất nhất quán từ Luật các tổ chức tín dụng 1997 đến Luật các tổ chức tín dụng 2010 về tỷ lệ góp vốn tối đa của tổ chức tín dụng/ngân hàng thương mại vào 01 doanh nghiệp tối đa không quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó. Đối với khoản đầu tư góp vốn vào Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam, PVFC trước đây và PV Combank hiện nay vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu vượt hơn 9 lần mức tối đa theo quy định của pháp luật.
Tại thuyết minh Báo cáo tài chính nội dung thứ 13, PV Combank công bố thông tin “Tại ngày 31 tháng 12 năm 2013, Ngân hàng đã ký hợp đồng thanh lý toàn bộ giá trị đầu tư tại Công ty Cổ phần Mỹ Khê Việt Nam. Tuy nhiên, do việc chuyển giao quyền sở hữu cũng như quyền kiểm soát cho đối tác chưa được thực hiện. Ngân hàng vẫn tiếp tục ghi nhận khoản đầu tư này là đầu tư vào công ty con”.
Tuy nhiên, Báo cáo thường niên 2013 của PV Combank vẫn ghi nhận “…Công ty Mỹ Khê đang từng bước triển khai dự án Mỹ Khê, việc xây dựng và đưa dự án Mỹ Khê Resort vào vận hành sẽ góp phần phục vụ nhu cầu khách du lịch đến Quảng Ngãi cũng như nhu cầu nghỉ ngơi của cán bộ làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất. Hiện Mỹ Khê đang quản lý và khai thác các tài sản xử lý nợ của PV Combank, tham gia tích cực vào công tác xử lý nợ của PV Combank” và vẫn có tên Công ty Cổ phần Mỹ Khê Việt Nam trong danh sách “Các công ty có liên quan” của PV Combank. Như vậy, phải chăng PV Combank vẫn có ý định tiếp tục duy trì Mỹ Khê Việt Nam như một công ty con hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ, trong khi bản thân Ngân hàng đã có Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản PV Combank AMC chuyên biệt trong lĩnh vực này?
Với mục đích ban đầu được thành lập để thực hiện riêng dự án Khu du lịch Biển Mỹ Khê tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (Công ty có địa chỉ đăng ký trụ sở chính khi thành lập tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), đến nay Mỹ Khê Việt Nam đang tham gia gần chục dự án bất động sản khác nhau (//mykhevietnam.wwwiso.com/project/), với tổng quy mô giá trị đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong khi bản thân dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê với diện tích quy hoạch 251.277 m2, tiêu chuẩn 4 sao chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2009-2011, giai đoạn 2 từ 2011 – 2012) với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng… do Công ty nhận chuyển nhượng lại từ Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Du lịch từ tháng 4/2009, khởi công ngày 20/3/2010 vẫn dậm chân tại chỗ suốt 4 năm qua.
Đầu tư bất hợp lý?
Với việc bung ra đầu tư dàn trải các dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường suy thoái, không ngạc nhiên việc Mỹ Khê Việt Nam gặp khó khăn trầm trọng về tài chính và nguy cơ cao mất vốn.
Trong các vấn đề ngoại trừ trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán (trình bày tại Thuyết minh số 13 BCTC của PV Combank), Công ty TNHH Erns t&Young phát hiện việc ngày 31/12/2013, Mỹ Khê Việt Nam đang ghi nhận một khoản lãi phải trả cho PVCombank với số tiền 153.235.625.000 đồng liên quan đến Hợp đồng ủy thác của PV Com bank cho Mỹ Khê từ năm 2010 trên khoản mục “Chi phí trả trước ngắn hạn” trên bảng cân đối kế toán thay vì hạch toán khoản lãi phải trả này vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khi phát sinh (bản chất là phải hạch toán tăng chi phí, ghi nhận lỗ vào Báo cáo kết quả kinh doanh của Mỹ Khê Việt Nam thay vì “treo” vào “Chi phí trả trước ngắn hạn” để tăng tổng tài sản của Mỹ Khê). Trường hợp Mỹ Khê Việt Nam ghi nhận lỗ do phát sinh thêm 153 tỷ đồng chi phí, với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối, PVCombank phải hợp nhất kết quả lỗ này trên BCTC của ngân hàng. Với bút toán điều chỉnh sai sót này, PV Com bank phải ghi nhận bổ sung dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào Mỹ Khê Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12/2013 tăng thêm 114.872.017.789 đồng. Với việc quy định ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần (khoản 1 Điều 103 và khoản 1 Điều 110 Luật các tổ chức tín dụng 2010), điều đó có nghĩa là Vốn chủ sở hữu của PVCombank giảm thêm đúng bằng số trích lập dự phòng 114.872.017.789 đồng. Như vậy, Vốn chủ sở hữu của PV Combank tại 31/12/2013 sau khi ghi nhận điều chỉnh giảm do trích lập dự phòng bổ sung khoản đầu tư vào Mỹ Khê Việt Nam chỉ còn lại 9.579.413.657.609 đồng (so với số báo cáo trên BCTC của PVCombank là 9.694.285.675.398 đồng) và lợi nhuận trước thuế của ngân hàng thay vì lãi 28.124.793.941 đồng chuyển thành lỗ (86.747.223.848) đồng.
Như vậy, với việc sở hữu tới 99,95% Vốn Điều lệ của Mỹ Khê Việt Nam, HĐQT và Ban Điều hành PVFC trước đây và PV Combank hiện nay không chỉ liên tục vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian dài (từ tháng 12/2008 đến nay), mà còn khiến các cổ đông của Ngân hàng gánh chịu thêm khoản lỗ (86.747.223.848 đồng – theo BCTC của PVCombank, NH có lợi nhuận trước thuế 28.124.793.941 đồng, nhưng nếu điều chỉnh bổ sung trích lập dự phòng như trên thì trở thành lỗ 86.747.223.848 đồng) và sụt giảm vốn chủ sở hữu mất 1,18% (114.872.017.789 đồng/9.694.285.675.398 đồng), tức là thay vì có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu 0,29% .
Từ những thực tế trên cho thấy, PVCombank đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với khả năng thu hồi giá trị vốn gốc các hợp đồng ủy thác đầu tư của Ngân hàng cho Cty CP Mỹ Khê Việt Nam do các hợp đồng này đều đã quá hạn thanh toán. Riêng lãi Mỹ Khê Việt Nam phải trả của các hợp đồng ủy thác này đã lên tới 153.235.625.000 đồng phát sinh từ năm 2010 đến nay, Mỹ Khê Việt Nam chưa có khả năng hoàn trả. “ tiến thoái lưỡng nan” với điều kiện thị trường tài chính và thị trường bất động sản như hiện nay, khả năng Mỹ Khê Việt Nam có thể thanh toán khoản lãi này cũng như vốn gốc ủy thác đầu tư cho PVCombank là câu hỏi dành cho chính bản thân Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội.
Linh Tuệ