THCL Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ hai, chiều 1/11, Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

 

Phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 - Hình 1

Vấn đề phân bổ ngân sách cho địa phương, được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với năm 2017, số bổ sung cân đối hay tỷ lệ điều tiết thu của từng địa phương là kết quả tính toán trên cơ sở dự toán thu và nhu cầu chi tính theo định mức để đảm bảo nguyên tắc hiến định trong quan hệ phân cấp ngân sách, ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Luật Ngân sách nhà nước qua các thời kỳ đều quy định sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương, hoặc tăng tỷ lệ % nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên, thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.

Bộ trưởng cho rằng, 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020, dự toán chi cân đối ngân sách địa phương được xác định theo nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển - do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vào tháng 9/2015. Định mức chi thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong năm nay. Đây là dịp để chúng ta phân bổ, điều tiết lại những bất hợp lý phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách vừa qua (2011 – 2016).

Theo đó, đối với định mức phân bổ chi thường xuyên trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với các địa phương trọng điểm thu có điều tiết thu về ngân sách Trung ương đã ưu tiên cao nhất như định mức phân bổ chi theo tiêu chí dân số, tăng từ 30 - 70% so với các địa phương khác. Ngoài ra, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, còn được phân bổ tăng thêm 70% định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai.

Mặc dù đã có ưu tiên cao như trên, nhưng sau khi tính toán chi theo định mức phân bổ và dự kiến giao dự toán thu nội địa đang trình Quốc hội, năm 2017, sẽ có khoảng 10/13 địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của giai đoạn 2011 - 2016 giảm lớn. Có địa phương giảm từ 20 - 30% so với tỷ lệ của giai đoạn 2011 - 2016.

Việc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia phần ngân sách địa phương được hưởng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách giảm là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, nhưng nếu giảm quá lớn, cũng ảnh hưởng đến nguồn lực đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương này.

Trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội, theo đó dành một khoản 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương này, đảm bảo tỷ lệ điều tiết của các địa phương không giảm quá lớn. Trong đó, phân bổ 10.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, 4.450 tỷ cho chi thường xuyên và trong quá trình xây dựng dự toán cũng có ý kiến cắt giảm toàn bộ hoặc một nửa số kinh phí đã chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương.

Nhưng Bộ Tài chính đã phải bàn và báo cáo rất kỹ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giữ khoản này, hỗ trợ các địa phương, tránh giảm tỷ lệ điều tiết quá lớn.

Trần Nguyên