Với phương châm “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, trong thời gian qua các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh. Từ năm 2015 - 2019, tổng kinh phí chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh là gần 18 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có trên 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh tháng 3/2019.Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh tháng 3/2019.

Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các chế độ chính sách mới chỉ đáp ứng phần nào cuộc sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do vậy, tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay của cộng đồng để chăm sóc, bảo vệ trẻ với nhiều hoạt động thiết thực. Tính riêng năm 2019, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi - Tháng hành động Vì trẻ em, chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã trao gần 5.400 suất quà với tổng trị giá gần 900 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đạt thành tích cao trong học tập, trẻ em đang điều trị trong các bệnh viện. Bên cạnh đó, hàng trăm cặp kính cận thị, xe đạp, xe lăn cũng đã được các tổ chức, mạnh thường quân trao tận tay các em là người khuyết tật, sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động bảo vệ và giáo dục trẻ. Qua đó góp phần tạo điều kiện để mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, được sống và học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp và các loại hình giáo dục ở tất cả các cấp học. Phong trào toàn dân đưa trẻ đến trường được phát triển sâu rộng đến tất cả các địa phương, vùng miền trong tỉnh. Chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng lên. Các nhà trường thường xuyên tổ chức các diễn đàn, chương trình giáo dục kỹ năng sống nhằm truyền thông trực tiếp cho trẻ về quyền trẻ em, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Đến nay, tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo đúng độ tuổi, học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi của tỉnh đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh THCS đi học đúng độ tuổi đạt gần 99%; tỷ lệ học sinh hoàn thành THCS đạt gần 100%.

Các trường học trong tỉnh đã tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống, phòng chống đuối nước, xâm hại, tai nạn thương tích cho các em học sinh.Các trường học trong tỉnh đã tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống, phòng chống đuối nước, xâm hại, tai nạn thương tích cho các em học sinh.

Các địa phương quan tâm xây dựng các xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, lồng ghép vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trường học và trạm y tế chuẩn quốc gia; xây dựng các điểm văn hóa vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất cho trẻ. Đồng thời duy trì tốt trên 41.750 “Ngôi nhà an toàn” giúp loại bỏ những hiểm họa và giảm thiểu tối đa tai nạn thương tích ở trẻ.

Thực tế hiện nay, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, sự xuất hiện của các loại văn hóa phẩm độc hại… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, nhân cách của một bộ phận trẻ em. Thông tin cá nhân của trẻ em dễ bị xâm phạm, từ đó làm tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. Trước thực trạng này, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, có hiệu quả.

Đặc biệt, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và cộng tác viên xã hội khu dân cư. Tư vấn, hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ gần 45.000 trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại hoặc gặp các vấn đề về tâm lý, trong đó có trên 41.000 trẻ sống trong các gia đình nghèo, cận nghèo; trên 3.500 trẻ sống trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân, mắc tệ nạn xã hội, mồ côi…

Thông qua các hoạt động này, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như nâng cao nhận thức của trẻ em để bảo vệ chính mình trước những nguy cơ có thể xảy ra.

Hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được thụ hưởng sự phát triển một cách bình đẳng, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hành động vì trẻ em, trọng tâm là các hoạt động phòng, chống đuối nước, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chăm lo cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quyền trẻ em; phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ trong dịp nghỉ hè và mùa mưa bão.

PV