Chiều 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell Fontelles, nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-31/07/2024.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - Ảnh VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - Ảnh VGP/Đức Tuân

Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cảm ơn Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tình cảm và sự coi trọng của EU và cá nhân Ngài Đại diện cấp cao đối với những công lao to lớn của Tổng Bí thư trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU; khẳng định EU là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển tích cực, từ các lĩnh vực truyền thống như chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển đến các lĩnh vực mới như quốc phòng - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương.

EU hiện là đối tác viện trợ không hoàn lại lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ tư với kim ngạch hai chiều năm 2023, nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong số các nước ASEAN.

Hai bên đã hợp tác tích cực trong các lĩnh vực quốc phòng – an ninh, tư pháp, lao động, nông nghiệp, khoa học - công nghệ. Hợp tác trong lĩnh vực môi trường cũng đang được mở rộng và đạt được nhiều kết quả thực chất. Trong đó, một điểm sáng là hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Việt Nam với Nhóm đối tác quốc tế, trong đó có EU.

Phó Thủ tướng chúc mừng EU đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu và Ban lãnh đạo mới của EU; đề nghị EU tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, để tăng cường tin cậy chính trị, tạo nền tảng cho hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhân dịp kỷ niệm 35 năm phát triển quan hệ (1990 - 2025) - Ảnh VGP/Đức Tuân
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhân dịp kỷ niệm 35 năm phát triển quan hệ (1990 - 2025). Ảnh VGP/Đức Tuân.

Phó Thủ tướng đã chuyển thư chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu và mời bà Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu sớm sang thăm Việt Nam; đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như các thỏa thuận, cơ chế hợp tác khác giữa hai bên, hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU (1990-2025).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định (IUU).

Đánh giá cao những thành tựu phát triển cũng như vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và các diễn đàn đa phương, đánh giá cao sự kiên cường của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập cũng như trong xây dựng đất nước, ông Josep Borrell khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác ưu tiên và quan trọng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đề nghị hai bên nâng cấp quan hệ; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); tư pháp và phòng chống IUU.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhân dịp kỷ niệm 35 năm phát triển quan hệ (1990 - 2025).

Cảm ơn về những dự án hợp tác phát triển của EU hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục duy trì cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực tăng cường năng lực quản trị công, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, phát triển nghề cá bền vững, hỗ trợ tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam triển khai hiệu quả Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Tại cuộc tiếp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm; nhất trí các xung đột cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí với lập trường giải quyết tranh các chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, góp phần củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

PV/chinhphu.vn