HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc (xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) từng là một trong những đơn vị tiềm năng cung cấp sản phẩm rau, quả su su cho VinEco Tam Đảo.

Vào thời điểm này năm trước, các thành viên đều tất bật chuẩn bị thu hoạch sản phẩm theo đơn đặt hàng. Dù việc sơ chế đóng gói đòi hỏi nông dân phải bỏ thêm chi phí thời gian, nhân công, nhưng đầu ra luôn được đảm bảo, giá cả ổn định đã tạo động lực cho các thành viên nỗ lực làm việc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, sự hợp tác giữa 2 đơn vị đã bị gián đoạn.

Chị Kiều Thị Huệ, Giám đốc HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc chia sẻ: "Sản phẩm chủ lực của đơn vị là ngọn và quả su su, mang tính chất thời vụ, thời gian thu hoạch chỉ kéo dài 6 tháng/năm. Với vùng nguyên liệu khoảng 10 ha tập trung chủ yếu tại xã Kim Long, huyện Tam Dương và xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, đơn vị khó có thể cung cấp ổn định nguồn hàng cho các đối tác thường xuyên trong cả năm".

Có thể thấy, việc xây dựng được mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã khó, song duy trì được còn khó hơn.

Tại Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và môi trường Vĩnh Hưng (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), một trong số ít đơn vị còn duy trì tốt mối liên kết với VinEco Tam Đảo. Hiện mỗi ngày, công ty cung cấp cho đối tác khoảng 3 tấn rau, củ phục vụ thị trường trong tỉnh và thành phố Hà Nội.

Đại diện công ty cho biết, các sản phẩm nông nghiệp an toàn có năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, quá trình sản xuất phải tuân thủ theo quy trình VietGAP nên thời gian thu hoạch sẽ dài hơn bình thường. Để đáp ứng lượng hàng hóa theo các đơn đặt hàng, công ty buộc phải tìm kiếm vùng nguyên liệu mới, đồng thời phát triển, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.

Hiện nay, việc thuê đất, gom đất tại tỉnh khá khó khăn, do diện tích manh mún, phải thỏa hiệp với nhiều hộ và thời gian thuê ngắn. Bởi vậy, ngoài diện tích hơn 3 ha tại phường Hội Hợp, công ty phải xây dựng thêm các vùng sản xuất tập trung tại Mộc Châu (Sơn La), Lạc Thủy (Hòa Bình).

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh hàng nông sản An Hòa, xã An Hòa, huyện Tam Dương dù đã đạt được thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa chuột, song việc mở rộng vùng nguyên liệu cũng không dễ dàng. Một phần vì các diện tích sản xuất tại xã An Hòa còn nhỏ lẻ, một số xứ đồng còn bị ngập úng là nhược điểm lớn với cây dưa chuột.

Để duy trì tốt hoạt động sản xuất theo đơn đặt hàng, HTX đã tìm kiếm và mở rộng vùng nguyên liệu mới tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Với hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, cây dưa chuột được nông dân tỉnh bạn đón nhận, được chính quyền tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế thuê đất. Đến nay, HTX đã có nguồn hàng phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.

Từ thực tế cho thấy, các đơn vị sản xuất nông nghiệp dù muốn phát triển theo hướng đa dạng hóa hay chuyên sâu về một dòng sản phẩm thì vùng nguyên liệu luôn có vai trò cốt lõi. Nếu không đủ chiều sâu, các đơn vị khó có thể khẳng định năng lực cũng như thương hiệu, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Vùng nguyên liệu đa dạng về vị trí địa lý sẽ giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nhất là nhu cầu thực phẩm an toàn ngày một tăng cao thì vấn đề phát triển vùng nguyên liệu đòi hỏi ngày một cấp thiết hơn.

Quỹ đất tại tỉnh tuy còn nhiều, nhưng đa phần là manh mún, đạt hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng hoang hóa ngày một tăng cao. Nhiều diện tích vụ Đông, vụ Mùa bị bỏ hoang gây ra sự lãng phí tài nguyên đất.

Để tạo thuận lợi cho các HTX, công ty đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh cần phải đẩy nhanh tiến độ dồn thửa, đổi ruộng và có những cơ chế giúp việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn.

Đồng thời, cần có thêm cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn nhằm khuyến khích các đơn vị sản xuất nông nghiệp sớm xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chu Kiều