Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 53 chuỗi liên kết trong chăn nuôi, trong đó chuỗi thịt lợn an toàn chiếm khoảng 80%. Việc liên kết chuỗi đã giảm chi phí sản xuất, ổn định giá bán trên thị trường, tạo ra các sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích...

Để thúc đẩy tăng trưởng, tăng nguồn cung cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường thì việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc này không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh mà còn giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị và tạo ra sản phẩm an toàn. Dù hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn thời gian qua, tuy nhiên, để phát triển các chuỗi thịt lợn an toàn rất cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng, sản xuất thịt lợn theo chuỗi giá trị an toàn không những kiểm soát được dịch bệnh mà còn giảm khâu trung gian (đang chiếm hơn 42% giá thành sản phẩm) nên chi phí đầu vào giảm và giá trị sản phẩm tăng 15-20%. Như vậy, việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Hiện ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện mục tiêu phát triển các chuỗi thịt lợn an toàn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Cùng với việc tham mưu cho thành phố có chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ lựa chọn các doanh nghiệp làm đầu tàu, có khả năng đầu tư lâu dài, có tư duy về xây dựng chuỗi liên kết và sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các hộ chăn nuôi...

Phát huy hiệu quả, nhân rộng các chuỗi thịt lợn an toàn không chỉ bảo đảm nguồn cung cho thị trường, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới một nền chăn nuôi bền vững.

Hà Trần