Cách xử lý khi bị hiểu nhầm

Mấy năm gần đây những tin đồn về thôi miên để bắt cóc trẻ em, chiếm đoạt tài sản, mua bán nội tạng... đã gây nên sự hoang mang, hoảng sợ cho người dân, khiến họ dễ bị kích động, hiểu nhầm khi có người lạ đến, thậm chí là nghi ngờ họ một cách vô căn cứ.

Phải làm gì khi bị vây đánh vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em? - Hình 1

 Nghi ngờ bắt cóc trẻ em, cặp nam nữ ở Bình Định bị đám đông hành hung...

Những nghi ngờ cảnh giác đối với người lạ luôn là điều cần thiết, tuy nhiên mỗi khi có sự bất thường xảy ra thì đám đông lại dễ kích động, thêu dệt sự việc quá đà, gây nên những hành vi quá khích, gây nên thương tích hoặc phá hoại đến tài sản, thậm chí là tính mạng của người bị tình nghi.

Vì vậy nếu xảy ra trường hợp tương tự, chúng ta phải bình tĩnh để xử lý một cách sáng suốt nhất, tránh trường hợp tạo thêm sự kích động cho nhân dân.

Thay vì hoảng sợ, la hét, dùng bạo lực để chống trả, chúng ta nên cố gắng thuyết phục một trong số những người ở đám đông đang phấn khích và cầu cứu họ. Không nên giải thích vòng vo, hãy gợi cho họ bằng những câu như: Nhờ gọi công an, hãy để công an chứng minh cho chúng tôi, đừng đánh người vô tội... và hãy tự tìm cách liên hệ sớm nhất với chính quyền địa phương, để được can thiệp và bảo vệ.

Ngoài ra trong lúc bị vây đánh, chúng ta hãy cố lùi về một bức tường, cột điện, cái cây rồi dựa lưng vào đó, để tránh tình trạng một số thành phần quá khích đánh lén từ phía sau gây nguy hiểm tới tính mạng.

Vì chúng ta không thể bỏ chạy, nên hãy cố bảo vệ các vị trí hiểm trên cơ thể như bộ hạ, thái dương, gáy, bụng bằng cách liên tục di chuyển chậm (không nên đứng im một chỗ).

Trách nhiệm của chính quyền

Khi có thông báo về sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cần phải có mặt kịp thời để giải tán đám đông, bảo vệ tính mạng của người bị tình nghi.

Trong trường hợp thôi miên, bắt cóc trẻ em là thật thì sẽ xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tránh để tình trạng người dân tự xử dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết giới hạn hành vi của mình trong các tình huống bắt giữ tội phạm, bắt quả tang người phạm tội.

Các trường hợp hiểu nhầm đáng tiếc gần đây sẽ là bài học của chính quyền địa phương và nhận thức về pháp luật của người dân.

Bảo Ngọc