Nóng bỏng cuộc chiến sinh tử Israel-Iran: Nếu xung đột, hai bên sẽ nã tên lửa tới tấp? - Hình 1

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, liệu Tehran và Tel Aviv có chơi sát ván như những tuyên bố cứng rắn của giới chức lãnh đạo hai bên hay chỉ là xung đột cục bộ, có kiểm soát?

Sẽ vẫn là xung đột có giới hạn

Một điều có thể chắc chắn, với tương quan lực lượng hiện tại cả Israel và Iran đều không có khả năng tổ chức chiến tranh trên bộ chống lại nhau ở quy mô toàn diện. Hai quốc gia hoàn toàn tách rời về mặt địa lý và việc đưa lục quân viễn chinh là hoàn toàn bất khả thi.

Ngoài ra, những ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế cũng không cho phép Iran và Israel tiến hành một cuộc chiến sinh tử.

Chính vì thế, nếu một trong hai bên thiếu kềm chế, đẩy xung đột lên mức chiến tranh thì sẽ xung đột giữa Israel và Iran sẽ tương tự như điều đã xảy ra ở Syria. Hai bên sẽ nã tên lửa vào nhau.

Hiện tại, Iran có đủ khả năng tổ chức các đòn tấn công tên lửa quy mô lớn từ chính lãnh thổ Iran, từ Syria và Lebanon nhằm vào Israel. Giới chức Iran không nói đùa khi tuyên bố, đã có hơn 10.000 tên lửa được chuẩn bị để tấn công Israel. Điều này hoàn toàn nằm trong năng lực của Iran.

Thành viên Hội đồng Cố vấn tối cao Iran, Ayatallah Ahmad Khatami tuyên bố: Iran sẽ không giải quyết xung đột với Israel bằng hạt nhân, nhưng sức mạnh tên lửa Iran đang phát triển sẽ không để Israel ngủ yên mỗi ngày.

Nóng bỏng cuộc chiến sinh tử Israel-Iran: Nếu xung đột, hai bên sẽ nã tên lửa tới tấp? - Hình 2

Tên lửa đạn đạo Khorramshahr của Iran.

Không rõ vô tình hay hữu ý, Iran vừa giới thiệu dòng tên lửa đạn đạo mới với tên gọi Khorramshahr với tầm bắn 1.500km và khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 1 tấn. Đây có thể là hành động nắn gân Israel.

Ngoài ra, trong kho tên lửa của Iran còn nhiều loại tên lửa đạn đạo khủng khác như Shahab-5, Sejil đều có khả năng tác chiến mạnh mẽ. Cùng với đó, Iran hoàn toàn có khả năng kêu gọi đồng minh Hezbollah và Syria tung các đòn tấn công trực tiếp vào nhằm vào lãnh thổ Israel.

Về phía Israel, với năng lực quân sự của mình, Tel Aviv cũng thừa khả năng đưa lửa tới chân Tehran.

Tuy nhiên, cả hai bên đều hiểu đây sẽ không phải là cuộc chiến sống còn vì Tehran và Tel Aviv sẽ mất mát nhiều hơn là được lợi trong cuộc chiến như vậy.

Với đặc điểm lãnh thổ nhỏ hẹp, các trung tâm dân cư tập trung đông đúc, một cuộc tập kích bằng tên lửa quy mô lớn của Iran sẽ tạo ra thương vong và sự tàn phá về cơ sở hạ tầng rất lớn cho Israel.

Đó là sự thực kể cả khi Tel Aviv đang có trong tay những tổ hợp phòng thủ tên lửa tối tân. Về phía Iran, với những gì Quân đội Israel đã thể hiện tại Syria, có lẽ sẽ chẳng có vị trí nào ở Iran được an toàn trước các đòn tấn công đột kích của Không quân Do Thái.

Một yếu tố quan trong khác là khi Tehran và Tel Aviv hao tổn nguyên khí trong một cuộc chiến tương tàn, chắc chắn sẽ có nhiều thế lực ở Cận Đông ngồi cười ở thế "ngư ông đặc lợi". Cả Tehran và Tel Aviv đều hiểu rất rõ điều này và như thế tại sao phải leo thang xung đột khi sẽ không có vinh quang cho bất kỳ ai chiến thắng cuối cùng?

 Nóng bỏng cuộc chiến sinh tử Israel-Iran: Nếu xung đột, hai bên sẽ nã tên lửa tới tấp? - Hình 3

Iran bắn thử tên lửa đạn đạo đất đối đất. Ảnh minh họa

Chiếc ô hạt nhân

Dù chưa bao giờ công khai, nhưng thế giới điều hiểu Israel chính là cường quốc hạt nhân. Giới chuyên gia đánh giá, Israel hiện sở hữu không dưới 400 đầu đạn hạt nhân và nó có thể được sử dụng vì sự tồn vong của nhà nước Do Thái.

Trong quá khứ từng có tiền lệ, Israel đã từng lắp vũ khí hạt nhân lên máy bay tiêm kích sẵn sàng tấn công thủ đô của Ai Cập và Iraq khi thất thế quân sự trong chiến tranh Yom Kippur. Và kịch bản này có thể lặp lại nếu chiến tranh với Iran xảy ra.

Tehran liệu có biết điều này? Câu trả lời là có. Thực tế là sau những cuộc khẩu chiến của giới chức Iran và Israel, hai bên mới chỉ có một "phép thử" quân sự duy nhất tại Syria vừa qua.

 Nóng bỏng cuộc chiến sinh tử Israel-Iran: Nếu xung đột, hai bên sẽ nã tên lửa tới tấp? - Hình 4

Israel được cho là đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Rõ ràng cả Iran và Israel đều biết đối phương đang làm và muốn gì. Trong các tuyên bố cứng rắn mới đây của giới chức Israel, Tel Aviv đã nói rõ mong muốn của mình về việc Iran phải rút lực lượng quân sự khỏi Syria.

Israel có cái lý của mình khi yêu cầu vấn đề này khi lực lượng quân sự người Shiite với sự hậu thuẫn của Iran đang ngày một lớn mạnh và áp sát lãnh thổ Do Thái.

Căng thẳng chắc chắn sẽ xuống thang nếu hai bên biết thỏa hiệp. Đó là điều cần làm với Israel và Iran với vai trò là những quốc gia có ảnh hưởng lớn tại khu vực Cận Đông, chứ không phải những tuyên bố đao to, búa lớn của lãnh đạo hai nước.

Nếu Israel và Iran thỏa hiệp, tiến trình ổn định hóa, chấm dứt nội chiến tại Syria chắc chắn sẽ được đẩy nhanh.

Vậy liệu Israel và Iran có muốn điều này. Hãy chờ xem!

Ngọc Huy  - Soha