Vùng đất bề dày văn hóa
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng ban Tổ chức chủ trì cuộc họp báo với nội dung:
Cao Bằng tổ chức các sự kiện Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (tối 24/11/2018); công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950, huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc… Đây là các hoạt động có tầm vóc và ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH của địa phương lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay, từ ngày 23 - 27/11/2018.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chủ trì cuộc họp báo
Sau hơn 2 năm, ngày 14/1/2016, tại cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, ra Thông báo số 18-TB-TU về việc nhất trí chủ trương triển khai xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) của tỉnh Cao Bằng hướng tới đệ trình CVĐC toàn cầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO). UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện việc thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu tỉnh Cao Bằng.
Ngày 12/4, tại kỳ họp thứ 204 Hội đồng chấp hành của UNESCO, diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 4 - 17/4, CVĐC Non nước Cao Bằng đã chính thức được công nhận là CVĐC toàn cầu. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng - đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có 2 CVĐC toàn cầu (Cao Bằng và công viên đá - Hà Giang), được UNESCO công nhận.
Với hơn 3.275 km2, trải dài trên địa bàn 9 huyện của tỉnh Cao Bằng, CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 250.000 người, thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay, tại CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông...
Cao Bằng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Cao Bằng với diện tích tự nhiên 6.724,6 km2, địa hình phong phú và đa dạng đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, có giá trị du lịch cao, tiêu biểu như danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), động Dơi (Hạ Lang), hồ Thang Hen (Trà Lĩnh), Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén (Nguyên Bình)… Các di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, địa điểm Chiến thắng biên giới 1950 huyện Thạch An, đền Vua Lê, đền Kỳ Sầm, chùa Sùng Phúc…
Thác Thoong Ma (Trùng Khánh)
Tập trung phát triển du lịch
Cao Bằng là địa bàn của hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét sinh hoạt văn hóa riêng, tạo nên vùng đất văn hóa đa dạng, độc đáo. Các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị đã thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Sau khi được công nhận CVĐC toàn cầu UNESCO - là một vinh dự và mở ra một cơ hội cho việc thúc đẩy tăng trưởng du lịch của Cao Bằng. Đó còn là trọng trách lớn lao của các cấp chính quyền, các ngành và người dân để duy trì và gìn giữ các tiêu chí đã đạt được: Gia tăng nhận thức về môi trường địa chất cho người dân; bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển KT-XH bền vững…
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, phát triển thị trường, quảng bá du lịch, hợp tác nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch… Tập trung phát triển các loại hình du lịch thám hiểm, du lịch cộng đồng, cũng như nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng nghỉ dưỡng để tăng cường thu hút ngày càng đông đảo du khách trong và nước đến tham quan, du lịch.
Vẻ đẹp kỳ ảo của động Ngườm Ngao (Trùng Khánh)
Cao Bằng đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc với phát triển KT-XH; chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm phát huy giá trị của CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng. Từ đó, đảm bảo việc xây dựng và phát triển CVĐC một cách bền vững, đáp ứng các tiêu chí, định hướng của UNESCO về một CVĐC toàn cầu trong công tác bảo vệ, quản lý và khai thác các điểm di sản trong vùng CVĐC gắn với phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Tăng cường xúc tiến hợp tác
Với vai trò là khu du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến quan trọng trong tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng (Cao Bằng - Bắc Kạn - Đồng bằng Bắc Bộ và Lạng Sơn - Cao Bằng - Hà Giang), Cao Bằng đã tăng cường công tác xúc tiến hợp tác, liên kết, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, dịch vụ và các sản phẩm du lịch của tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các kênh thông tin, gắn kết chặt chẽ với các địa phương nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch.
Quảng bá với nhiều đặc sản, đặc trưng địa phương với văn hóa ẩm thực độc đáo nổi tiếng, như: Miến dong Phia Đén (Nguyên Bình); quả lê và sản phẩm thạch đen (Thạch An); hạt dẻ và thạch trắng (Trùng Khánh); bánh khẩu Sli Nà Giàng (Hà Quảng); bánh cuốn, phở chua, bánh coóng phù, vịt quay, trà giảo cổ lam... Trái lê Đông Khê, lọt Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012. Bánh coóng phù lọt Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015.
Đặc điểm khí hậu, kết hợp với sự phức tạp của địa hình - đã tạo cho Cao Bằng những lợi thế riêng để hình thành các tiểu vùng sinh thái đặc thù, trong đó có những cây đặc sản như hạt dẻ, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, mía, thuốc lá, chè đắng... Trong khu vực CVĐC, hệ động - thực vật đa dạng cả về giống loài và loài quý hiếm, có rất nhiều giống loài trong khu vực có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007); 34 loại nguồn gen vật nuôi, cây trồng đặc sản nổi tiếng; 9 khu bảo tồn hoặc rừng đặc dụng, trong đó có 6 khu bảo vệ cảnh quan, 2 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 1 khu dự trữ thiên nhiên (vườn quốc gia).
Hang Cốc Bó (Hà Quảng)
Địa phương hoàn thành việc xây dựng thi công các hạng mục cơ sở vật chất trên 3 tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐC non nước Cao Bằng, theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO: Tuyến du lịch cụm phía tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); tuyến du lịch cụm phía bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng); tuyến du lịch cụm phía đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các, sở, ngành, UBND các huyện trong vùng CVĐC tiếp tục xây dựng và phát triển CVĐC theo hướng bền vững phục vụ phát triển KT-XH. Trong đó, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ thuộc các tuyến du lịch trong CVĐC; phát triển hệ thống đối tác; tập trung đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm di sản; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất, các công trình xây dựng thuộc 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐC, tăng cường công tác bảo vệ di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan môi trường và các hoạt động phát triển du lịch bền vững.
Hoàng Thiệp