Thành thông lệ, cứ vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại “chiêu đãi” người yêu xiếc bằng chương trình “Gala xiếc ba miền” tại Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội). Sau 5 năm tổ chức, chương trình đã thật sự trở thành điểm hẹn nghệ thuật của những nghệ sĩ xiếc tài năng trên toàn quốc.
Ở mùa thứ sáu, đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chương trình hứa hẹn mang đến sự bùng nổ về cảm xúc khi bên cạnh ngôn ngữ xiếc còn có sự sánh đôi ăn ý của ảo thuật.
Trong thời lượng 120 phút, khán giả của “Gala xiếc và ảo thuật ba miền 2024” sẽ được đến với không gian ngập tràn sắc màu văn hóa ba miền thể hiện qua các tiết mục: “Sắc màu quê hương”, “Đạp ô”, “Đu son”, “Đám cưới dê”, “Lửa tình Tây Nguyên”, “Hoa hồng dại”, “Ngày hội non sông”...
Ở đó, hình ảnh của nón lá, áo dài, hoa sen, khèn, ô, rồng, tre, lúa... sẽ hiện lên đầy duyên dáng cùng các kỹ thuật xiếc điêu luyện như nhào lộn, tung hứng, cầu bật, đu lụa, đứng tay nghệ thuật, thăng bằng trên dây thép cao..., kết hợp những màn ảo thuật biến hóa. Tất cả cùng tấu lên niềm vui rộn ràng trong ngày hội lớn của đất nước.
Trong thời lượng 120 phút, khán giả của “Gala xiếc và ảo thuật ba miền 2024” sẽ được đến với không gian ngập tràn sắc màu văn hóa ba miền thể hiện qua các tiết mục: “Sắc màu quê hương”, “Đạp ô”, “Đu son”, “Đám cưới dê”, “Lửa tình Tây Nguyên”, “Hoa hồng dại”, “Ngày hội non sông”...
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc tài năng đến từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Thể nghiệm Xiếc Việt Nam... và các ảo thuật gia đã tạo được dấu ấn tại nhiều sân chơi nghệ thuật như: Nghệ sĩ Ưu tú Minh Tuấn (Quảng Trị), Harry Nguyễn (Nha Trang), Việt Duy (Thành phố Hồ Chí Minh)...
Cùng với gala xiếc, điểm nhấn trong tháng 5 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tên “Sống mãi với Điện Biên”. Kéo dài 90 phút với năm phần được dàn dựng công phu, chương trình đưa người xem ngược dòng thời gian trở về những tháng ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong sợi dây cảm xúc được xâu chuỗi liền mạch, khán giả được đến với hoạt cảnh mở màn “Tây Bắc hào hùng”, cảm nhận tình cảm đoàn kết trong lao động của đồng bào Tây Bắc, sự thân tình của đồng bào khi chào đón các chiến sĩ bộ đội; để rồi sau đó được hòa theo nhịp chân hành quân của các chiến sĩ trong hoạt cảnh “Hành quân xa”; được chứng kiến cảnh quân ta đồng lòng kéo pháo lên dốc trong hoạt cảnh “Hò kéo pháo”; sống cùng không khí chiến đấu ác liệt cùng hoạt cảnh “Trên đồi Him Lam”, khi quân ta chiếm hầm, những cánh tay giơ hàng và cờ trắng của quân địch xuất hiện; và rồi tất cả vỡ òa trong niềm vui “Giải phóng Điện Biên”, tưng bừng cờ hoa trong ngày hội chiến thắng.
Đảm nhận vai trò viết kịch bản và đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Sống mãi với Điện Biên” không chỉ đơn thuần là chương trình nghệ thuật xiếc, mà còn là lời tri ân sâu sắc với thế hệ cha anh đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước. Vì thế, từ kịch bản đến khâu dàn dựng đều được chuẩn bị kỹ lưỡng để mang đến những dấu ấn cảm xúc cho khán giả.
Với ý tưởng biến sân khấu trở thành sa bàn lớn tái hiện toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với phông cảnh núi rừng Tây Bắc, ê-kíp thực hiện còn đưa nhiều đạo cụ như mô hình khẩu pháo, thùng đạn, xe đạp thồ cùng hàng chục cây tre... lên sân khấu chính, phụ để người xem được tương tác trong không gian ba chiều cùng nghệ sĩ trong vai các anh bộ đội Điện Biên. Chung quanh vòng bục sân khấu cũng được tạo hình thành đường hào để từ hàng ghế khán giả nhìn xuống, người xem có cảm giác sân khấu giống như thung lũng thu nhỏ, nơi thể hiện chân thực, sống động những trận chiến cam go, sự anh dũng của các chiến sĩ Điện Biên thông qua các tiết mục: xe đạp chồng người, đế trụ tập thể, hình tượng nam, đu dây, leo cột, nhào lưới... kết hợp bởi ngôn ngữ xiếc, múa, âm nhạc.
Trong đó, có những trích đoạn đã được ê-kíp sáng tạo đặc biệt dụng công trong thiết kế, dàn dựng để tôn vinh hình ảnh bất khuất, sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện. Chẳng hạn, ở phần ba “Hò kéo pháo” sẽ có những chi tiết xúc động như khi pháo bị trôi xuống, người chiến sĩ lao tới dùng thân mình chèn pháo, đồng đội nhanh chóng ập đến đỡ chiến sĩ của mình, tiếp tục đồng lòng kéo pháo lên. Hay ở phần bốn “Trên đồi Him Lam”, cảnh Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, quân ta tiến lên hạ gục cứ điểm Him Lam, phất cao lá cờ trên nóc hầm... cũng sẽ mang đến những rung cảm sâu lắng cho khán giả.
Đáng chú ý, bên cạnh phần biểu diễn của hơn 60 nghệ sĩ xiếc, chương trình còn có sự tham gia của một số nhân chứng lịch sử với phần chia sẻ ký ức về trận chiến họ đã đi qua, từ đó tạo ra sự kết nối sâu sắc giữa hiện thực và nghệ thuật. Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, sau khi công diễn vào các ngày 4, 5, 11 và 12/5 tại Rạp xiếc Trung ương, một số trích đoạn đặc sắc trong chương trình như “Bế Văn Đàn sống mãi” sẽ được mang tới các trường học, để thế hệ trẻ hôm nay có thêm những hình dung chân thực về sự hy sinh to lớn của những người đi trước, từ đó được bồi đắp lòng biết ơn, niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.
Theo Báo Nhân dân