Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh tới các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong cả nước, các nhà đầu tư về tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh, qua đó tạo dựng thương hiệu, kết nối hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận trong thời gian tới; tập trung khai thác thị trường trọng điểm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm góp phần tăng trưởng khách nội địa một cách bền vững.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu cho rằng Ninh Thuận có nhiều lợi thế phát triển du lịch với bờ biển đẹp, hệ thống tháp Chàm cổ và du lịch sinh thái nông nghiệp trồng nho, nuôi cừu đặc trưng. Trong đó nhấn mạnh, Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A và quốc lộ 27 lên Đà Lạt (Lâm Đồng), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột); cách Nha Trang 105 km và cách sân bay quốc tế Cam Ranh 50km về phía Bắc, Đà Lạt 110 km, thành phố Hồ Chí Minh 350 km và Hà Nội 1.382 km; có nhiều vùng sinh thái, khí hậu khác nhau: vùng biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi gắn liền với các tiềm năng có thể khai thác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch; các công trình kiến trúc tháp Chăm đầy bí ẩn trong cách xây dựng gắn với lễ hội của người Chăm cùng nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghi năng, tiếng đàn Baranưng, điệu múa Apsara bên bếp lửa hồng; có làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc với truyền thống lâu đời; nhiều lễ hội dân gian độc đáo như: lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, có nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo như đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi… sẽ tạo nên những nét riêng, đặc sắc cho quảng bá du lịch Ninh Thuận.
Ninh Thuận có nhiều ưu đãi về thu hút đầu tư du lịch
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, Ninh Thuận đang tập trung ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Cụ thể, các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Theo đó, Ninh Thuận đang nỗ lực hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi Biển Bình Sơn, trung tâm thương mại, khu giải trí kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú, các dịch vụ du lịch khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các chính sách ưu đãi để hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư. "Ninh Thuận được hưởng ở khung cao nhất của tất cả các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Khi đầu tư vào Ninh Thuận sẽ được hưởng các ưu đãi cao nhất về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu tùy theo lĩnh vực và địa bàn đầu tư.
Hi vọng với nhiều chính sách quản lí mới của Ủy ban nhân dân tỉnh thì du lịch tỉnh ngày một phát triển, đáp ứng được nhu cầu cao của du khách, có thể tổ chức các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh ở cấp độ quốc gia và quốc tế hoặc vào những mùa cao điểm du lịch, dịp nghỉ Lễ, Tết...”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 5 năm gần đây lượt khách đến Ninh Thuận tăng trưởng bình quân 16% năm, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân 15% năm. Riêng trong năm 2017 lượt khách đạt 1.900.000 lượt, trong đó, khách quốc tế đạt 61.000 lượt người (tăng 10,91% so năm trước); khách nội địa đạt 1.839.000 lượt người (tăng 11,79% so năm trước), thu nhập xã hội từ du lịch đạt 883 tỷ đồng, tăng 17,73% so năm 2016… Điều này cho thấy cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ luôn được cải thiện một cách đáng kể qua kết quả thăm dò đánh giá từ du khách.
Đoàn Huế