Cần đồng bộ trong phát triển du lịch biển
Việt Nam đứng thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới, và là nước có diện tích bờ biển dài nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam còn là một trong 12 quốc gia có vịnh biển đẹp nhất thế giới. Với hơn 3.260km đường biển, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp và nằm ở trung tâm du lịch của khu vực châu Á Thái Bình Dương, nằm trên tuyến đường biển kết nối giữa hai trung tâm du lịch tàu biển lớn là Singapore và Hong Kong, Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành điểm đến được lựa chọn của các hãng tàu danh tiếng trên thế giới.
Hiện nay, du lịch tàu biển trên thế giới đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại. Các hãng tàu đã liên tục tái lập và tăng cường tuyến du lịch Singapore, Malaysia, Hong Kong, và Việt Nam trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình trên.
Nhắc đến du lịch biển đảo, không thể không nhắc đến các địa phương nổi tiếng như Phú Quốc, Côn Đảo, Vũng Tàu, Cần Giờ, Rạch Giá, Mũi Né, Nha Trang… không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp, hải sản phong phú, sản vật quý hiếm, nhiều hòn đảo thơ mộng. Mà còn là sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong cộng đồng dân tộc người Việt phát triển qua nhiều thế hệ, với những di tích lịch sử - văn hóa, những phong tục tập quán, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực mang đậm sắc màu miền biển.
Các tỉnh phía Nam còn có khí hậu ôn hòa, nắng ấm quanh năm, cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt như: Đường cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế… Nguồn nhân lực dồi dào, đội ngũ phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao về chất. Ẩm thực mang nhiều nét đặt trưng, con người thân thiện cũng là một điểm cộng khác của các tỉnh có biển phía Nam.
Phát triển du lịch biển, đảo sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác nhau, mà còn tạo thêm việc làm cho người dân khu vực ven biển. Từ đó, nâng tầm vị thế trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam với khu vực và quốc tế. Vì thế, đưa du lịch biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn luôn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.
Đồng thời, để có thể phát triển bền vững du lịch biển và khai thác có hiệu quả các loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái, du lịch MICE… doanh nghiệp cùng địa phương cần phối hợp xây dựng thương hiệu du lịch tàu biển, phát huy thế mạnh cảng biển của từng điểm đến để thu hút nguồn khách du lịch trong và ngoài nước.
Các địa phương cũng cần xây dựng các sản phẩm ưu đãi khuyến khích các hãng tàu lưu đêm và khách lên bờ nghỉ đêm thông qua chương trình kích cầu riêng như xem xét chính sách tặng vé tham quan, suất trải nghiệm học nấu ăn… Các chính sách ưu đãi cần áp dụng trong một khoảng thời gian kích cầu cụ thể và đủ dài để kích hoạt.
“Đề nghị thành lập Hội du lịch tàu biển, nhằm tạo sự kết nối, chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong các hoạt động liên quan đến du lịch tàu biển để có những đề xuất gửi đến các cơ quan quản lý có liên quan, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thu hút khách du lịch tàu biển đến các địa phương trong tương lai”. - Đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist đề xuất.
Chia sẻ về vấn đề môi trường tại các bãi biển, Anh Nguyễn Minh - Công ty Du lịch Thế giới xanh cho hay: Tình trạng một số bãi biển liên tục dính những vấn đề “biết rồi nói mãi” như: tình trạng mất vệ sinh, mất an toàn và đặc biệt là tình trạng chặt chém du khách. Đây là những nguyên nhân chính khiến một số bãi biển không còn là nơi thực sự thu hút du khách. Do đó, cơ quan quản lý cần phải quyết liệt chấn chỉnh những tình trạng trên.
Ngoài ra, chúng ta cần phải có thêm nhiều sản phẩm du lịch khác để tạo ra sự hấp dẫn cho du khách, để họ không cảm thấy nhàm chán khi suốt chuyến du lịch chỉ có biển và biển.
“Mùa hè này, theo khảo sát lượng khách đổ về Phan Thiết, Nha Trang khá đông do điều kiện đi lại thuận lợi hơn trước và đây là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, đi cạnh niềm vui đó, chúng ta cũng nên chú trọng đến chất lượng phục vụ, tình trạng chặt chém… Nếu quyết liệt vấn đề này, tôi tin rằng du lịch biển mùa hè này sẽ khả quan” – Anh Minh nhận định.
Thời gian tới, để du lịch biển phía Nam phát triển theo hướng bền vững, anh Lê Ngọc Hải – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông Sài Gòn Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp như:
Bảo vệ môi trường sinh thái: Hạn chế các hoạt động gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển như đánh bắt cá, khai thác san hô; Đầu tư xử lý chất thải, tái sử dụng tài nguyên; Phát triển du lịch sinh thái để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của du khách.
Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững: Xây dựng các khu du lịch với thiết kế thân thiện với môi trường; Sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng; Phát triển hệ thống giao thông công cộng để giảm lượng khí thải từ phương tiện cá nhân.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng để thu hút nhiều đối tượng khách hàng; Phát triển các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tương tác với địa phương.
Nâng cao chất lượng dịch vụ: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng phục vụ; Đào tạo, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của nhân viên trong ngành du lịch.
Truyền thông hiệu quả: Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại để quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm đến; Quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch biển độc đáo, nêu bật sự khác biệt có lợi thế cạnh tranh; Tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch để kết nối với thị trường.
Còn theo chuyên gia trong lĩnh vực du lịch biển nhận định, bên cạnh yếu tố thiên nhiên ưu đãi với bờ biển đẹp, khí hậu, các địa phương cần có sự phát triển đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông. Xây dựng hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch xanh, chợ thương mại, y tế, sản phẩm đặc trưng gắn với vùng miền và đào tạo nguồn nhân lực quản lý chuyên nghiệp từ đó mang lại giá trị nghỉ dưỡng tốt nhất cho du khách.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế biển tầm nhìn đến năm 2030, theo ThS. Lê Minh Thành - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp cho biết, cần có những giải pháp như: Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; Hai là, phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; Ba là, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.
Kích cầu du lịch biển dịp hè
Du lịch biển đảo là thị trường quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam - luôn được các công ty lữ hành chú trọng khai thác từng thế mạnh, bản sắc riêng của từng vùng. Đồng thời, đa dạng các chương trình tham quan kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí, du lịch sự kiện, du lịch golf, bao gồm cả hình thức du lịch thuần túy và du lịch MICE.
Nhằm kích cầu du lịch trong nước, Lữ hành Saigontourist đã phối hợp cùng Vietnam Airlines xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21h00 hàng ngày đến các điểm đến du lịch biển trong nước: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng khởi hành từ TP. HCM và Hà Nội.
Với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm biển này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay với một chính sách giá rất cạnh tranh mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và đầy đủ các trải nghiệm cho du khách trong nước.
Đây sẽ là xu hướng du lịch nội địa mới trong mùa hè 2024 này, đặc biệt phù hợp với những công ty có đặc thù riêng như khai thác lượng khách lớn từ nhiều nguồn, số lượng khách ổn định suốt năm như Lữ hành Saigontourist. Khi du lịch cùng bắt tay hàng không áp dụng chính sách giá tốt cho du khách sẽ tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy du lịch nội địa theo chiến lược dài hạn, bền vững.
"Đồng thời, mảng du lịch tàu biển quốc tế là thế mạnh hàng đầu của Lữ hành Saigontourist, góp phần quan trong vào mục tiêu thu hút, phát triển du lịch quốc tế của ngành du lịch Việt Nam. Việc Lữ hành Saigontourist chú trọng đầu tư, đẩy mạnh chiến lược quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc tế trọng điểm, đặc biệt là chiến lược khai thác thị trường khách du lịch tàu biển quốc tế hạng sang đã chính thức mang lại những thành quả hơn mong đợi” – đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho hay.
Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cần tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tại các bãi biển như: lễ hội ẩm thực, lễ hội âm nhạc, các hoạt động thể thao như chạy bộ, bơi lội; lặn ngắm san hô, câu cá, chèo thuyền; khám phá làng chài, trải nghiệm nếp sống của ngư dân ven biển.... sẽ thu hút đông đảo khách tham gia và trải nghiệm du lịch biển.
Kết hợp tham quan các điểm du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, phối hợp với các khu nghỉ dưỡng tổ chức các hoạt động giải trí, vui chơi gia đình tại bãi biển. Tạo ra các gói tour, chương trình du lịch biển có giá cả phù hợp, kèm theo nhiều trải nghiệm và tiện ích hấp dẫn.
"Ngoài ra, đẩy mạnh quảng bá, marketing về các điểm đến du lịch biển, các công ty lữ hành nên sử dụng nhiều kênh truyền thông như internet, truyền hình, báo chí để quảng bá về các điểm du lịch biển đẹp, độc đáo và có nhiều hoạt động hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh” – Anh Lê Ngọc Hải – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Du lịch và Truyền thông Sài Gòn Hà Nội chia sẻ.
Thuận Yến