Những gói thầu "giảm như không giảm"

Việc thực hiện đấu thầu dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước không chỉ nhằm lựa chọn những nhà thầu đủ năng lực chuyên môn, tài chính mà còn để tiết kiệm tối đa và tránh gây thất thoát, lãng phí cho nguồn kinh phí đầu tư, từ đó tránh nảy sinh tiêu cực, "móc ngoặc" giữa bên mời thầu và bên trúng thầu để ăn chia hoa hồng... 

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có một nhóm nhà thầu khá "thân quen" với chính quyền địa phương và thường xuyên có mặt tại các gói thầu xây lắp giá trị từ vài tỷ cho đến cả trăm tỷ đồng. Chưa rõ năng lực chuyên môn của các nhà thầu này đến đâu, nhưng năng lực tài chính và năng lực "trúng thầu" lại vô cùng đặc biệt.

Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ninh Bình (Công ty Ninh Bình). Mặc dù có tên gọi gợi mở về một địa phương khác, tuy nhiên thực chất thị phần chính, cũng như "đại bản doanh" của Công ty Ninh Bình lại nằm trọn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nói thêm về Công ty Ninh Bình, nhà thầu này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tham gia đấu thầu từ năm 2016. Thời điểm khi đó (tháng 9/2016), hai cá nhân sở hữu Công ty Ninh Bình là ông Nguyễn Trung Thành (SN 1983) và ông Tạ Quang Sơn (1987) đã cùng rót một khoản tiền không nhỏ để nâng vốn điều lệ doanh nghiệp từ 15 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Đến nay, ông Thành vẫn nắm giữ 90% vốn, tương đương 180 tỷ đồng, cổ phần còn lại thuộc sở hữu của ông Sơn.

Trước thời điểm tăng vốn ít ngày, Công ty Ninh Bình đã được Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) lựa chọn là nhà thầu thực hiện "gói thầu xây lắp công trình thuộc dự án xây dựng hệ thống thoát nước xử lý ngập úng khu vực trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên". Theo Quyết định số 2831 ngày 14/9/2016, Công ty Ninh Bình trúng thầu với giá 30,4 tỷ đồng - là gói thầu có giá trị lớn nhất trong năm 2016 của nhà thầu này.

Và cũng kể từ đó, mối quan hệ giữa Công ty Ninh Bình và Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên ngày càng trở nên "bền chặt". Tính đến nay, Công ty Ninh Bình chưa trượt bất kì gói thầu nào do chủ đầu tư này tổ chức mời thầu.

Đi kèm với khả năng "bách phát bách trúng", nhà thầu này còn thường xuyên đạt được mức tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp, qua đó đem về các hợp đồng tối ưu nhất. Ví dụ như tại "gói thầu xây lắp thuộc dự án mở rộng trường mầm non Định Trung, xã Định Trung" hồi tháng 8/2019, theo Quyết định số 111/QĐ-BQL do Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên khi đó là ông Vũ Hoàng Mạnh ký ban hành, Công ty Ninh Bình đã trúng thầu với giá 20,1 tỷ đồng, thấp hơn 1% so với giá gói thầu.

Hay như "gói thầu xây lắp và thiết bị, nằm trong dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường thuộc phường Ngô Quyền, phường Đống Đa" được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào cuối năm 2019 cũng rất sát giá. Lúc này, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên đã tiếp tục chấp thuận cho Công ty Ninh Bình (vai trò liên danh) là đơn vị trúng thầu, với giá trị hơn 104 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước chưa nổi 1%.

Công ty Ninh Bình và Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Vĩnh Yên vẫn "đeo đẳng" cho đến "gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng đường tỉnh 305, đoạn từ QL.2 cho đến khu đô thị Đầm Cói, phường Hội Hợp" (giá trúng 85,3 tỷ đồng, tiết kiệm 0,28%) hồi cuối tháng 11/2020 và mới đây hồi tháng 4/2021 là "gói thầu xây lắp thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình điểm trường cho trường tiểu học Khai Quang" với giá trị 38,8 tỷ đồng, giảm tải cho ngân sách nhà nước vẻn vẹn 36 triệu đồng!?

Tại gói thầu hồi tháng 4/2021 nêu trên, Công ty Ninh Bình đã liên danh với Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thiên Cầm (Công ty Thiên Cầm), một nhà thầu cũng rất "quen mặt" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chưa dừng lại ở khu vực TP. Vĩnh Yên, sải tay của Công ty Ninh Bình còn vươn dài ra một số khu vực khác, đơn cử như huyện Tam Đảo. Một lần nữa những điểm như năng lực trúng tất cả các gói thầu tham gia, cùng tỷ lệ tiết kiệm "siêu thấp" lại được nhà thầu này thể hiện rõ rệt.

Điểm qua danh mục trúng thầu tại huyện Tam Đảo của Công ty Ninh Bình, gần đây nhất là "gói thầu xây lắp công trình đường nối cầu Đồng Dầu, qua suối Đùm, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương với đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo".

Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, ông Đinh Văn Mười đã ký ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 về việc phê duyệt Công ty Ninh Bình là nhà thầu thực hiện với giá trúng hơn 41 tỷ đồng, thấp hơn 50 triệu đồng so với giá gói, tức tỷ lệ giảm giá đạt 0,1%.

Tương tự, "gói thầu xây lắp và thiết bị công trình khu dịch vụ, khu đất tái định cư gắn với bãi đỗ xe phục vụ giải phóng mặt bằng khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên", do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo mời thầu cũng lựa chọn Công ty Ninh Bình là đơn vị trúng thầu với giá trị 64 tỷ đồng, tiết kiệm 0,45% cho ngân sách nhà nước.

Ước tính Công ty Ninh Bình đã trúng thầu ít nhất 200 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo, hầu hết trong vai trò độc lập.

Những điểm chú ý trong mối quan hệ giữa Công ty Ninh Bình và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, hay cụ thể là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo cũng được "tái hiện" giữa Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng Việt Phú (Công ty Việt Phú) và chủ đầu tư này.

Quyết định số 330 ngày 29/12/2020 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo.
Quyết định số 330 ngày 29/12/2020 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo.

Công ty Việt Phú cũng đạt tỷ lệ chiến thắng tuyệt đối trong các gói thầu của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo với tỷ lệ giảm giá rất thấp. Mới đây ngày 15/5, tại "gói thầu thi công xây lắp công trình nhà lớp học 3 tầng 6 phòng trường mầm non Tam Quan", liên danh Công ty Việt Phú và Công ty Thiên Cầm đã trúng thầu với giá 7,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giảm giá 0,6%.

Đặc biệt ở "gói thầu thi công xây lắp công trình nhà lớp học 8 phòng trường mầm non Hồ Sơn", Công ty Việt Phú và đối tác trở thành nhà thầu thực hiện với giá trúng hơn 9 tỷ đồng, trong khi đó tiết kiệm cho ngân sách chỉ 2,5 triệu đồng!?

Nhìn chung với danh sách dài "đằng đẵng" các gói thầu giá trị hàng trăm tỷ đồng về tay một số doanh nghiệp quen mặt của tỉnh Vĩnh Phúc, có thể thấy hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu ở địa phương này khá kém hiệu quả. Nguồn vốn ngân sách chỉ được tiết giảm với những con số rất èo uột, thực trạng nhà thầu trúng sát giá trở thành một "điệp khúc" khiến dư luận tỏ ra băn khoăn liệu có hay không việc "bắt tay ngầm" giữa chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu?

Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu từng thẳng thắn chia sẻ rằng: "Việc đấu thầu công khai, minh bạch các gói thầu của dự án là để đảm bảo chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất thực hiện dự án, tiết giảm được tối đa cho vốn đầu tư. Hoạt động này nếu không chí công, vô tư thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Cơ quan thanh tra, kiểm toán cần phải làm rõ về quá trình xây dựng đơn giá, lập dự toán, xây dựng giá gói thầu. Nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành".

Những bức tranh tài chính "bết bát"

Quay trở lại với Công ty Ninh Bình, cho dù dồn dập trúng các gói thầu lớn, đem về một khoản thu cả trăm tỷ mỗi năm thế nhưng kết quả kinh doanh không vì đó mà sáng sủa.

Theo tài liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu hằng năm của nhà thầu này liên tục gia tăng và luôn duy trì trên ngưỡng 100 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu thuần đạt lần lượt 108 tỷ đồng, 154 tỷ đồng, 180 tỷ đồng, 176 tỷ đồng và 177 tỷ đồng.

Ở chiều hướng ngược lại, như một nét đặc trưng, Công ty Ninh Bình vẫn duy trì khoản lợi nhuận cực kì nhỏ giọt bất luận nguồn thu có tăng trưởng đến đâu. Giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 14 triệu đồng, 412 triệu đồng, 397,5 triệu đồng, 662 triệu đồng và 1,8 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu trung bình giai đoạn này của Công ty Ninh Bình là khoảng 0,1%, tức thu về 1.000 đồng mới có lãi 1 đồng. Mặt khác so với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, bình quân ông chủ của nhà thầu này chỉ thu về lợi nhuận ứng với lãi suất 0,3% mỗi năm, kém hơn hàng chục lần nếu gửi tiết kiệm ngân hàng.

Đây là mức lợi nhuận thấp đến "bất thường". 

Khối tài sản (nguồn vốn) của Công ty Ninh Bình tính đến cuối năm 2020 là hơn 602 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm đến 400,7 tỷ đồng, cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và cho thấy xu hướng phình to qua các năm.

Trong nhóm nhà thầu "quen mặt" của tỉnh Vĩnh Phúc, bức tranh tài chính của Công ty Việt Phú còn tỏ ra "xám xịt" hơn trên các báo cáo chính thức. Nhà thầu Việt Phú được thành lập vào ngày 2/3/2011, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Anh Phú. Đến tháng 8/2017, doanh nghiệp này chuyển đổi loại hình công ty TNHH sang công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ từ 3 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng.

Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Triệu Văn Ba (SN 1983). Ông Ba cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% vốn điều lệ.

Trong giai đoạn 2016-2020, Công ty Việt Phú (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu tăng khá nhanh, lần lượt đạt 6,1 tỷ đồng, 4,8 tỷ đồng, 6,9 tỷ đồng, 26,3 tỷ đồng và 29,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, biến động ngược chiều đó là các khoản lợi nhuận ngày càng teo tóp, cá biệt đến năm 2018, nhà thầu Việt Phú bắt đầu lỗ ròng.

Cụ thể, sau hai năm có lãi khiêm tốn là 30 triệu đồng và 87 triệu đồng (2016-2017), bắt đầu từ 2018 đến 2020, doanh nghiệp lỗ sau thuế 211 triệu đồng, 680 triệu đồng và 419,9 triệu đồng.

Tình hình kinh doanh lao dốc khiến cho Công ty Việt Phú lâm vào cảnh mất vốn chủ sở hữu. Đến cuối năm 2020, doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 1 tỷ đồng, qua đó bào mòn vốn chủ sở hữu xuống còn 8,2 tỷ đồng.

Để có nguồn lực duy trì hoạt động, nhà thầu phải liên tục huy động vốn bên ngoài. Tại ngày 31/12/2020, khối nợ phải trả đã lên đến 29 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần vốn chủ.

Với một nguồn lực tài chính kém cỏi như vậy, khó hiểu khi Công ty Việt Phú lại trở thành nhà thầu thân quen của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Đảo. Bởi lẽ, ngoài tiêu chí về năng lực, yêu cầu về tài chính cũng là yếu tố kiên quyết để nhà thầu có thể trúng thầu.

Theo Điểm c, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi gian lận trong lựa chọn nhà thầu là nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Khoản 1, Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu sẽ bị cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 89 của Luật Đấu thầu.

Việt Anh