Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã bộc lộ một số điểm yếu bao gồm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào xu hướng thị trường nước ngoài, khu vực tư nhân trong nước dễ bị tổn thương, thủ tục hành chính còn một số bất cập và tình trạng thiếu nguồn cung cấp điện.
Trong đó, việc duy trì nguồn cung ứng điện trở thành đề xuất hàng đầu của Amcham phục vụ mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh tế. Nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu được thảo luận trong thời điểm hiện tại sẽ khó có thể đạt được. Một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.
“Chúng tôi khuyến khích tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng”, Amcham cho biết.
Cơ sở hạ tầng năng lượng không thể được thiết lập trong một sớm một chiều và việc lập kế hoạch cho sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ.
“Các nhà đầu tư hiện tại cần các quy định hợp lý hơn để có thể có thể cung cấp năng lượng tái tạo, vì nhiều nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần có khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo để xem xét đầu tư. Những vấn đề then chốt bao gồm việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Chúng tôi rất vui và được khích lệ bởi những tín hiệu cho thấy DPPA có thể được triển khai vào ngày 1/7 năm nay. Các thành viên của Hiệp hội chúng tôi – cùng với các nhà đầu tư và khách hàng, luôn sẵn sàng hỗ trợ triển khai sớm nhất chương trình đáng mong đợi từ lâu này”, đại diện Amcham chia sẻ.
Cùng chung mối lo ngại về cung ứng điện, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, trong thời gian từ tháng 6-7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.
Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng hiện tượng thiếu điện như vậy là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.
Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.
Đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định”, đại diện Kocham cho biết.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, mùa hè năm ngoái, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Việc không thể lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô hình "Just in Time", cốt lõi của chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp hội viên JCCI đang cân nhắc xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu của mình.
Theo đó, JCCI đề nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc những đề xuất bao gồm: Ổn định nguồn điện cho các khu công nghiệp, Đưa ra thông báo trước về việc cắt điện và các yêu cầu tiết kiệm điện để có đủ thời gian điều chỉnh và Đưa ra cơ chế ưu đãi khuyến khích các công ty tiết kiệm điện và sản xuất điện.
Trước đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có phản hồi trực tiếp. Cụ thể, theo ông Tân, Bộ Công thương hiện đã xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh - sạch - bền vững, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm tỷ trọng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và năng lượng hoá thạch và đảm bảo phù hợp với các quy hoạch năng lượng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Liên quan tới Quy hoạch điện VIII, hiện nay Bộ Công thương đã hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và dự kiến Chính phủ sẽ thông qua kế hoạch trong tuần này”, ông Tân cho biết.
Ngoài ra, Bộ Công thương đã thực hiện các giải pháp công nghệ để đảm bảo việc phát triển hài hoà năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và đặc biệt là xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện, các nguồn nhiên liệu mới như hydro, gắn với các nguồn điện mới như điện gió ngoài khơi.
Liên quan tới việc cung ứng và điều hành điện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị không để thiếu điện trong mọi tình huống, Bộ Công thương đang nỗ lực hết sức mình để thực hiện đúng chỉ đạo.
"Cho tới nay, chúng tôi có thể khẳng định và cam kết việc thiếu điện sẽ không xảy ra năm 2024 và có thể là những năm tiếp theo. Chúng tôi cam kết đảm bảo không chỉ không thiếu điện mà còn đảm bảo tính ổn định, chất lượng của cung ứng điện”, ông Tân cho biết.
Hà Trần (T/h)