(TH&CL) “Giai đoạn 2007 - 2011, sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) ở Việt Nam đã đạt 60% và nhập khẩu chỉ 40%. Tuy nhiên, giai đoạn 2012 - 2013, sản xuất trong nước lại tụt xuống còn 40%, nhập khẩu 60%. Những số liệu cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của ngành TPCN”. Đó là chia sẻ của PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam với phóng viên Thương hiệu & Công luận.


Việt Nam vốn được nhìn nhận là quốc gia có rất nhiều tiềm năng phát triển TPCN. Vì sao lại rơi vào thực trạng trên, thưa ông?

Không thể phủ nhận chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm của TPCN trong nước hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Bởi lẽ, sản phẩm sản xuất ra, nhưng chưa được thử nghiệm trên lâm sàng mà chỉ dựa vào các kinh nghiệm cổ truyền để công bố nên người tiêu dùng không tin. Hơn nữa, thông thường, sản xuất ra TPCN phải đạt được 3P. Đó là GAP - yêu cầu kiểm soát được nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn nhưng ở nước ta, điều này chưa thực hiện được.

Nguồn nguyên liệu nhập lậu qua biên giới hay mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc; trong khi Việt Nam có nguồn dược liệu rất phong phú với 10.000 cây có thể sản xuất ra TPCN song nguồn đó lại lụi bại, không có sự chỉ đạo quy hoạch để trồng và phát triển bài bản. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở các công ty nhỏ mà cả ở các công ty dược lớn.

Tiêu chuẩn thứ 2 là GMP - trong nhà máy chế biến phải áp dụng các tiêu chuẩn này mới đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng. Tiêu chuẩn thứ 3 là GLP - liên quan đến phòng thí nghiệm, phải thử lâm sàng, phải đánh giá, kiểm nghiệm được hoạt chất.

Ba điều trên phải được chứng minh một cách khoa học chứ không thể công bố “lờ mờ”. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu đang dựa vào sách dân gian của cụ Đỗ Tất Lợi và cuốn kinh nghiệm cổ truyền chứ không phải là bằng chứng khoa học của thời đại ngày nay với yêu cầu phân tích trong sản phẩm có hoạt chất gì, công thức của nó và tác động đến cơ thể như thế nào.

Đặc biệt, công bố công dụng sản phẩm của Việt Nam được đánh giá quá lạm dụng. Công nghệ sản xuất còn yếu kém, chủ yếu dùng công nghệ nghiền rồi chiết… hết sức cổ điển. Trong khi đó, thế giới áp dụng công nghệ nano, công nghệ dinh dưỡng gen hay chiết xuất tầm sâu…

Rõ ràng, ngành TPCN Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập?

Ngành TPCN ở Việt Nam hiện tồn tại 8 bất cập lớn:

Thứ nhất, điều kiện sản xuất TPCN quá thả nổi, quá lỏng lẻo, ai cũng có thể sản xuất; không có điều kiện cụ thể, không hội đủ 3P (ở Mỹ, đủ 3P mới cho phép sản xuất TPCN). Thậm chí, người đang sản xuất thức ăn cho động vật, lại chuyển sang sản xuất TPCN.

Thứ hai, điều kiện để TPCN được lưu hành ở Việt Nam quá dễ, cũng ảnh hưởng tới chất lượng TPCN.

Thứ ba, thành phần của TPCN: Đã gọi là thực phẩm thì chỉ một số thứ có thể ăn được thôi, nhưng hiện nay Việt Nam chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN và những thành phần phải cấm, đó là điều rất nguy hiểm. Một số DN dược lớn của Việt Nam đưa cả các thành phần thuốc vào TPCN.

Thứ tư, sự công bố tác dụng đối với sức khỏe của TPCN còn thả nổi. DN công bố tác dụng TPCN như một thần dược rất cụ thể, có khi còn công bố tác dụng mạnh hơn thuốc? Vì TPCN chỉ mang tính hỗ trợ chứ làm sao có tác dụng như thuốc?

Thứ năm, quảng cáo thái quá: 50% quảng cáo không đúng nội dung đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo như thuốc, thậm chí còn hơn cả thuốc (tăng vọt chiều cao, phát triển trí tuệ...). Bởi ngay cả thuốc y học cổ truyền hàng nghìn năm lịch sử cũng không ở đâu công bố “thần dược” hóa như TPCN ở Việt Nam.

Thứ sáu là về hiệu quả, chất lượng và tính an toàn của TPCN. Đây là 3 tính cơ bản của 1 sản phẩm, yêu cầu phải nêu được định nghĩa, tiêu chí. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa đảm bảo được.

Thứ bảy là thực trạng TPCN xách tay, lậu tràn lan lưu hành, không đảm bảo an toàn.

Thứ tám là nhiều yếu kém trong kiểm nghiệm, trang thiết bị…

Chính 8 tồn tại trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành TPCN và Nhà nước chưa thể chủ động được.

Ngành TPCN nước ta còn non kém thì buộc phải nhường thị trường cho khối ngoại?

Từ năm 1980, người Nhật Bản đã dùng TPCN như một phương pháp hữu hiệu để hỗ trợ tăng cường và bảo vệ sức khỏe. Năm 1991, Chính phủ Nhật đã ban hành luật về TPCN. Mỹ có luật TPCN từ 1994. Trung Quốc, Đài Loan và các nước khác phần lớn từ cuối thập kỷ trước đã có luật TPCN. Cho đến nay, Việt Nam cũng đã nhận thức được vai trò của sản phẩm này, nhưng vẫn chưa ra được thông tư về TPCN một cách đầy đủ, toàn diện.

Sự thực không thể giấu giếm rằng, bản thân tôi cũng tin sản phẩm nước ngoài hơn bởi vì người ta làm bài bản, đúng tiêu chuẩn 3P, công bố sản phẩm này bao nhiêu thì là bấy nhiêu. Nhưng sản phẩm của Việt Nam chỉ công bố trên giấy chứ không định ra được hoạt chất của nó. Ví dụ, định nghĩa tinh chất trà xanh thì nói chỉ lấy trà xanh chiết nhưng thực tế có còn polyphenol không và là bao nhiêu thì mới có hiệu quả thì lại... “o tròn”. Khi nguồn cung cấp TPCN trong nước kém thì đương nhiên người ta phải dùng TPCN của nước ngoài.

Vậy để ngành TPCN Việt Nam phát triển, điều kiện cần và đủ là gì?

Chúng ta phải có chiến lược, chính sách khuyến khích phát triển. Đặc biệt, cần đầu tư về công nghệ để làm thế nào khai thác, chiết xuất cũng cây cỏ đến mức như nano (ví như nghệ chiết ra đến hạt tinh thể nhỏ mịn đến mức có thể chui vào trong tế bào). Đối với cơ sở sản xuất trong nước, phải ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn quy chuẩn chứ không phải bây giờ ai cũng có thể sản xuất TPCN, kiểu gì cũng tung ra thị trường được. Nhất thiết phải có một tiêu chuẩn chặt chẽ, phù hợp với thế giới. Hiệp hội Thực phẩm Chức năng cũng đã rất cố gắng để Việt Nam có thể đầu tư, kiểm soát được từ vấn đề GAP cho đến GMP và GLP và ban hành chiến lược phát triển TPCN. Song số lượng hội viên Hiệp hội quá mỏng nên Nhà nước phải vào cuộc, có bàn tay của Chính phủ. Nếu đầu tư tích cực thì ít nhất phải 15 - 20 năm nữa mới hy vọng thị trường TPCN Việt Nam phát triển bền vững. Bởi lẽ, đầu tư nuôi trồng phải mất 5 - 10 năm, đầu tư nghiên cứu áp dụng một công nghệ cũng phải có thời gian, có nguồn lực, vấn đề đầu tư vào cơ sở sản xuất cũng như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Hà Thu (Thực hiện)