Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Tại một số địa phương - trung tâm du lịch, lượng khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm khá lớn: TP. HCM đón 36,5 triệu lượt khách (7,5 triệu lượt khách quốc tế); Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách (5,5 triệu khách quốc tế); Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách (5,3 triệu lượt khách quốc tế); Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách (gần 3 triệu khách quốc tế)... Nhiều địa phương đón lượng khách từ 6 triệu lượt trở lên như Khánh Hòa, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hóa...
Ngành du lịch bứt phá để thành ngành kinh tế mũi nhọn
Từ những thống kê trên, các chuyên gia nhận định đó là những con số “biết nói” đối với sự kỳ vọng của ngành du lịch. Bởi thực tế, chỉ tính riêng mục tiêu tại Khánh Hòa là đến năm 2020 đạt con số 8 triệu khách, đến năm 2030 là 16 triệu lượt khách (trong đó 50% là khách nước ngoài) đã cho thấy không phải con số “ảo”.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, bài toán thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhất là việc khách quay lại lần thứ 2, thứ 3 vẫn đang là một câu hỏi - cần lời giải đáp. Mặc dù lượng khách đến Việt Nam tăng cao, nhưng theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng là làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Việt Nam.
Hiện nay, năng lực của nhiều DN du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản; công tác duy tu, bảo dưỡng công trình du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng tới môi trường, cơ sở hạ tầng bất cập; an ninh, an toàn giao thông cho khách du lịch chưa được như kỳ vọng. Nhiều khách sạn chưa đáp ứng chất lượng, giá cả phục vụ khách du lịch quốc tế cao hơn các nước khu vực…
Mặt khác, sau khi thu hút du khách tới điểm đến, họ sẽ chi tiêu như thế nào để tạo ra những ấn tượng nhất định? Bởi lẽ, thực tế một vấn đề được nhiều người tham quan phản hồi chính là sự thiếu đa dạng, lặp lại và thiếu kết nối của các sản phẩm nơi họ đến khiến họ “chưa thấy được bản sắc”.
Nhìn nhận về thực trạng trên, theo PGS. TS. Phạm Trung Lương - Hiệp hội Đào tạo du lịch VN (VITEA), hoạt động mua sắm - tiêu tiền, không chỉ là yếu tố quan trọng thu hút du khách, mà còn nâng cao mức chi tiêu trung bình của du khách trong chuyến đi du lịch tại điểm đến. Mức độ hấp dẫn của mua sắm, phụ thuộc vào sự đa dạng, chất lượng và tính hợp lý về giá cả hàng hóa, bao gồm hàng hiệu và hàng thủ công mỹ nghệ địa phương mà du khách quan tâm.
Ông Lương góp ý: “Tại Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc..., họ luôn coi trọng cung về mua sắm như một yếu tố mang tính chiến lược trong các kế hoạch phát triển du lịch, nhằm thu hút du khách và nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch ở tầm quốc gia. Cung về mua sắm trong hoạt động du lịch - góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh và sức cạnh tranh điểm đến du lịch của các quốc gia đó. Phát triển du lịch ở Việt Nam bằng việc đẩy mạnh cung về mua sắm, cũng không phải là ngoại lệ”.
Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa nhìn nhận: “Chúng ta có thể cạnh tranh được với Bali của Indonesia, đảo Phuket của Thái Lan, tôi cho rằng đây là cái đích cần nhìn trước. Còn khu vực châu Á thì cần phải cân nhắc, cần chú ý từng thời điểm, đặc biệt chú ý tới chất lượng dịch vụ”.
“Chúng tôi không đặt vấn đề chất lượng cao hay thấp, mà quan trọng là khai thác được lượng khách với mức chi tiêu, sự hòa đồng trong hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Xử lý nghiêm, hạn chế tối đa các tour chui, bán đầu khách gây mất hình ảnh…”, ông Trung nói.
Duy Thế