Thông tin tại buổi họp báo về hội nghị tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức ngày 18/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 10 tháng năm 2022, ngành Dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, ông Giang tin tưởng ngành Dệt may Việt Nam sẽ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 43 tỷ USD đã đề ra.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định của kim ngạch xuất khẩu, ngành Dệt may Việt Nam cũng đạt nhiều bước tiến trong việc đa dạng hoá thị trường khi đã xuất khẩu được tới 66 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, 15 FTA đã có hiệu lực chính là nền tảng cho các doanh nghiệp trong việc đa dạng hoá thị trường.

Cùng với đó, áp lực của sự giảm phát, lạm phát và đồng tiền mất giá tại nhiều nước đã buộc các doanh nghiệp phải có đối sách đa dạng hoá thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có sự chuyển đổi từ hình thức gia công sang chủ động phát triển mẫu, quản trị số và thúc đẩy chuỗi cung ứng, tự chủ trong thị trường trong nước.

Dự báo năm 2023, ông Vũ Đức Giang cho biết, ngành Dệt may đang đặt ra mục tiêu xuất khẩu từ 45-47 tỷ USD. Lý giải cho mục tiêu đầy tham vọng này trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn như hiện nay, ông Giang phân tích, trong năm 2023, Hiệp định thương mại EVFTA của Việt Nam ký với EU đưa thuế suất về mức 0%. Đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. “Thời gian qua, dù có nhiều khó khăn, nhưng chuyển dịch đầu tư của các nước trong khu vực qua Việt Nam vẫn có sự bứt phá”, ông Giang thông tin.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang thúc đẩy được việc giảm nhập khẩu và chủ động nguyên phụ liệu trong nước. Tỷ lệ nội địa hoá của dệt may Việt Nam hiện đã đạt 49% và mục tiêu sẽ tăng lên 51% vào năm 2025.

Đặc biệt, ông Giang cho biết, động lực để các nhãn hàng đặt hàng tại Việt Nam chính là chương trình phát triển bền vững, quản trị số và kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành Dệt may để giữ ổn định và phát triển trong thời gian tới.

“Quản trị số và kinh tế tuần hoàn ngày càng tạo ra lực hấp dẫn cho các nhãn hàng đến với ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang khẳng định.

Lê Pháp (t/h)