Chiều 17-11, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết, có ít nhất bảy kênh truyền hình, một trang web, báo điện tử và bốn tờ báo tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin thất thiệt: “Chè Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm đi-ô-xin”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và uy tín ngành chè Việt Nam.
Theo ông Sơn, vừa qua, một số sở, ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với với ông Ta-Ling Wu, Phó Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng, Hội trưởng Hiệp hội người Hẹ Đài Loan tại Việt Nam. Ông Wu đã xác nhận thông tin, một số báo tại Đài Loan đưa tin thất thiệt trên. Ông Wu đề nghị tỉnh Lâm Đồng (vùng sản xuất chè lớn nhất cà nước), có văn bản gửi các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, khẳng định: “Vùng sản xuất chè tại Việt Nam đều nằm trong những vùng quy hoạch an toàn, có đánh giá tác động môi trường”, đồng thời tổ chức họp báo thông tin rõ ràng để “cứu” ngành chè trong nước đang chịu tin đồn thất thiệt.
Sau khi nắm thông tin ban đầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan, đã làm việc và báo cáo rõ với lãnh đạo tỉnh để có phương án chỉ đạo kịp thời. Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, qua tài liệu lịch sử, khoa học và các đánh giá tác động môi trường… đã khẳng định, vùng sản xuất nông nghiệp (trong đó có cây chè) tại Lâm Đồng không nằm trong vùng nhiễm đi-ô-xin.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, ít nhất có khoảng 70 container chè thành phẩm của Việt Nam đang “nằm chờ” thông quan tại Đài Loan (Trung Quốc), vì tin đồn thất thiệt trên.
Bà Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu trà ô-long (Cầu Đất, Xuân Trường, TP Đà Lạt), cho rằng: Thông tin ác ý trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều doanh nghiệp, hàng nghìn nông dân trồng chè tại Lâm Đồng và các tỉnh phía bắc.
Cũng theo bà Linh, trong số 70 container chè nêu trên, có bốn container của Công ty Hà Linh bán cho khách hàng (trong đó có 11 tấn chè ô-long, trị giá hơn hai tỷ đồng của Hà Linh), vẫn đang “bị treo” chưa biết đến bao giờ. “Một số khách hàng “ruột” của Công ty Hà Linh, chuyên mua chè xuất khẩu sang Đài Loan, nay cũng chung cảnh ngộ nên họ quay sang khất nợ mình” - bà Linh nói.
Tìm hiểu một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu chè ở Lâm Đồng qua thị trường Đài Loan, được biết, không những ngành chè Lâm Đồng mà nhiều vùng trồng chè phía bắc cũng đang điêu đứng vì tin đồn thất thiệt này. Nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, sự ảnh hưởng càng nghiêm trọng.
Ngược dòng lịch sử, cây chè phôi thai ở Lâm Đồng từ năm 1927, do các doanh gia người Pháp trồng và khai thác. Khởi nguồn từ vùng Cầu Ðất (Đà Lạt), cây chè đã “nảy mầm” ở vùng B’Lao (TP Bảo Lộc ngày nay), huyện Di Linh vào thập niên 30 thế kỷ trước. Chè bắt đầu bén rễ với đất B’Lao từ đồn điền của các ông chủ đến từ Tây Dương, như đồn điền Pôn-pe, Sô-ven, La-ruy, Fe-lit B’Lao, B’Lao Sierré... rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy chè của hộ gia đình, như Năm Mậu, Huỳnh Hoa, Ngô Văn, Xu Tiên, Lê Minh Xanh… Từ đó, vùng đất bazan này đã hình thành một tầng lớp cư dân gắn với “nghiệp trà”. Ngành chè đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực, và Lâm Ðồng được mệnh danh là “Thủ phủ trà Việt Nam”.
Thời gian qua, chè và rau an toàn của Lâm Đồng đã được những thị trường khó tính ưa chuộng, hàng năm đều xuất khẩu lượng lớn sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Sin-ga-po, Hàn Quốc, Đài Loan… Tính riêng chín tháng năm 2014, Lâm Đồng đã xuất khẩu hơn 11,1 nghìn tấn chè chế biến, tăng 25,2% về giá trị so với cùng kỳ.
Hiện, Lâm Đồng có hơn 22 nghìn ha chè, trong đó 25% diện tích được ứng dụng công nghệ cao. Cây chè áp dụng công nghệ giống ghép, cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… tạo sản phẩm chất lượng cao như ô-long, chè xanh, chè đen bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều thương hiệu chè Lâm Đồng bước đầu phát huy hiệu quả và tạo uy tín trên thị trường. “Lâm Đồng đã thuê một đơn vị ở Hà Nội làm quy hoạch vùng sản xuất chè, trên diện tích 23,5 nghìn ha, có đánh giá tác động môi trường rõ ràng” - ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.
Trở lại vụ việc tin đồn thất thiệt, ông Sơn cho hay: Các đơn vị liên quan của địa phương đã, đang thu thập thêm chứng cứ, luận cứ. Tỉnh sẽ có văn bản gửi các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao… thông tin rõ sự việc, để có phương án giải quyết kịp thời. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức họp báo thông tin cụ thể, trước khi diễn ra cuộc họp báo về vụ việc này tại Đài Loan (dự kiến vào ngày 24-11, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo sở, ngành liên quan tham gia).
Theo Báo Nhân Dân