Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ Công an cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.
Theo đó, các hình thức mà những đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng nhất chính là: Giả danh cơ quan thực thi pháp luật; Bẫy tình trên mạng xã hội; Chuyển tiền làm từ thiện; Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến; Giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ nâng cấp ứng dụng; Lừa đảo qua hình thức trúng thưởng; Chiếm quyền tài khoản facebook lừa đảo mượn tiền; Lừa đảo tìm người làm việc tại nhà; Mạo danh công ty tài chính lừa vay; Mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội; Giả vờ chuyển tiền nhầm để ép vay; Lừa nâng cấp sim để chiếm đoạt tài sản; Lập sàn giao dịch tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo cho số ‘đánh đề’; Tuyển cộng tác viên làm việc trên các ứng dụng thương mại điện tử; Giả làm cán bộ viễn thông, cán bộ trung tâm thông tin tín dụng quốc gia; Giả danh cán bộ xử phạt vi phạm giao thông; Giả mạo lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành; Gọi điện quấy rối, khủng bố đòi nợ… Hầu hết các đối tượng lừa đảo đều sử dụng các hành vi trên nhằm yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo.
Đặc biệt, thời gian gần đây, thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng đang diễn ra vô cùng phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín các ngân hàng cũng như thiệt hại về tài sản của người dân. Nhằm bảo vệ khách hàng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã nhanh chóng đã đưa ra nhiều khuyến cáo. Cụ thể, đối tượng lừa đảo thường xuyên thực hiện theo cách thức: Liên hệ khách hàng bằng số điện thoại di động hoặc số điện thoại bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng. Sau đó, đối tượng tư vấn rút tiền từ thẻ tín dụng và hoặc một số dịch vụ khác; Yêu cầu khách hàng quét mã QR, chụp mặt trước, mặt sau CMND/CCCD, hình ảnh khuôn mặt và cung cấp thông tin thẻ, số OTP hoặc thông tin tài khoản ngân hàng... Ngay khi khách hàng cung cấp thông tin, đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng thẻ/tài khoản ngân hàng của khách hàng để chiếm đoạt tài sản.
“OCB khẳng định không cung cấp các dịch vụ này và không cung cấp thông tin của khách hàng ra bên ngoài. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo khách hàng, không cung cấp thông tin bảo mật như: thông tin thẻ, thông tin đăng nhập tài khoản và số OTP hoặc bất kỳ thông tin nào liên quan đến thẻ cho bất cứ ai và dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả nhân viên ngân hàng; Không quét mã QR hoặc truy cập vào các đường link lạ và không chụp hình ảnh khuôn mặt, CMND/CCCD trên đường link không chính thống của OCB; Không quét mã QR hoặc truy cập vào các đường link lạ và không chụp hình ảnh khuôn mặt, CMND/CCCD trên đường link không chính thống của OCB; Không cho người khác mượn thẻ hoặc lưu thông tin thẻ trên điện thoại hoặc bất kỳ thiết bị nào hoặc chia sẻ thông tin thẻ lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản; Không thực hiện loại giao dịch rút tiền này vì đây là giao dịch phạm pháp, OCB sẽ không giải quyết trường hợp phạm pháp này. Ngoài ra, khách hàng nên cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo như yêu cầu cung cấp thông tin thẻ, tài khoản... để nâng hạn mức thẻ, hủy thẻ, sử dụng các cơ quan nhà nước để đe dọa,...” đại diện OCB cho biết.
Được biết, ngoài việc liên tục phát đi cảnh báo trên các kênh truyền thông chính thống, OCB còn liên tục thực hiện các phương thức đánh giá, nhận định cũng như rà soát nội bộ, hệ thống nhằm phát hiện, ngăn chặn tuyệt đối việc thông tin khách hàng bị sao chép, truyền ra ngoài.
Về phía khách hàng, nên khóa thẻ ngay lập tức khi có nghi ngờ thông tin thẻ bị lộ thông qua ứng dụng OMNI hoặc tổng đài 18006678, chặn cuộc gọi lạ (VD: truy cập link khongquangcao.ais.gov.vn, … hoặc gọi nhà mạng) để tránh bị làm phiền.
Khi có bất kỳ nghi vấn về hành vi lừa đảo, khách hàng cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đồng thời thông báo đến OCB qua các kênh tiếp nhận: Tổng đài (VN): 18006678 (miễn phí cuộc gọi); Tổng đài (Quốc tế): (84) 28 73056678; Email: [email protected]; hoặc các CN/PGD gần nhất của OCB trên toàn quốc.
Trần Mạnh