Nam Định có bờ biển dài 72 km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy cùng với hệ thống các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ... chảy qua địa phận với chiều dài hơn 250 km. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi, kênh, mương, ao, hồ, đầm đan xen khắp các địa phương trong tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là tại các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu.
Nhiều vùng ao, hồ, kênh nước sâu, nguy hiểm nhưng chưa có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm; nhất là vào mùa hè, người dân đi tắm tại các bãi biển tự phát.
Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ đuối nước khi tắm tại các bãi biển tự phát, mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo “Khu vực nguy hiểm, cấm tắm”.Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ đuối nước, chết 19 người trong đó có 11 trẻ em. Từ đầu 2024 đến nay, xảy ra 7 vụ đuối nước, 8 người chết trong đó có 2 trẻ em.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, qua công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra giải quyết các vụ liên quan đến đuối nước trẻ em, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng, tránh tai nạn đuối nước chưa cao, nhất là ở khu vực nông thôn; thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn với trẻ; cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, ngòi, ao, hồ…, trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Ngoài ra, môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông, ngòi, ao, hồ chằng chịt, thiếu biển cảnh báo...
Toàn tỉnh có gần 482 nghìn trẻ em, chiếm 26% dân số. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhằm giảm thiểu, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), đặc biệt tử vong do đuối nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 về việc "Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em", đặc biệt chú trọng công tác phòng, ngừa TNTT, trong đó phòng chống đuối nước (PCĐN) cho trẻ em; Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em, giai đoạn 2021-2030. UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch: số 115/KH-UBND ngày 5/10/2021 về phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2030; số 95/KH-UBND ngày 15/7/2022 về việc triển khai chương trình bơi an toàn, PCĐN trẻ em tỉnh Nam Định, giai đoạn 2022-2030 và nhiều công văn chỉ đạo về công tác phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và ngay chính trẻ em về nguy cơ, tình huống có thể xảy ra và cách PCĐN trẻ em; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phối hợp truyền thông cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước; tổ chức phổ biến các kiến thức cơ bản về đuối nước, các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, cách phòng tránh và sơ cứu đúng cách cho người dân và trẻ em để phòng tránh.
Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để PCĐN trẻ em tỉnh Nam Định” do tổ chức Bloomberg tài trợ tại 6 xã thuộc 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Tổ chức các lớp dạy bơi an toàn PCĐN cho 720 trẻ em; tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về PCĐN trẻ em cho 900 người là giám hộ/phụ huynh, giáo viên mầm non, cán bộ xã, các gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi. Triển khai thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT và PCĐN trẻ em tại 2 xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng); tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho Ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em và cộng tác viên của 2 xã này; tổ chức cho 1.200 hộ gia đình ký cam kết đảm bảo ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT cho trẻ em.
UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác PCĐN trẻ em; đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa, đài phát thanh huyện, xã để đảm bảo lan tỏa đến đông đảo người dân. Chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát sông, ngòi, ao hồ; cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực nguy hiểm dễ dẫn đến mất an toàn, TNTT cho trẻ em; phối hợp với các ngành hướng dẫn sử dụng các thiết bị bảo hộ an toàn như áo phao, phao bơi, phao nổi đúng cách; kỹ năng sơ cứu ban đầu; hướng xử lý an toàn khi gặp sự cố đuối nước.
Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Để chủ động phòng ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước đối với các em học sinh, nhất là trong dịp hè và mùa mưa bão năm 2024, Công an tỉnh ban hành công văn số 1841/CAT-PTM, ngày 8/4/2024 đề nghị thủ trưởng các đơn vị, địa phương chỉ đạo, thực hiện về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ đạo hướng dẫn lực lượng Cảnh sát điều tra cấp huyện tổ chức điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm hoặc không làm hết trách nhiệm trong công tác PCĐN trẻ em, gây hậu quả nghiêm trọng.
Phòng Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, trở khách bằng phương tiện thủy ngang sông, nhất là những nơi có nhiều trẻ em, học sinh tham gia; ký kết với các chủ phương tiện giao thông đường thủy, bến phà, bến đò đảm bảo các điều kiện về an toàn PCĐN và các hoạt động trong môi trường nước; thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ đuối nước.
Trong dịp nghỉ hè và những tháng năm cuối năm 2024, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả, hiệu lực Kế hoạch số 115/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030.
Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030. 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030; 95% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 100% vào năm 2030. 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tổ chức các hoạt động cải tạo môi trường, loại trừ các nguy cơ gây TNTT, đuối nước trẻ em tại mỗi gia đình và cộng đồng như: Cắm biển báo vùng nước nguy hiểm; rào quanh ao, hố nước, rãnh nước xung quanh nhà hoặc nơi công cộng; làm các hàng rào, cửa chắn, cổng ngăn cách khu vực trẻ em chơi với những nơi có nguy cơ gây đuối nước. Chỉ đạo tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể trong dịp hè, các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cấp cứu nhằm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất do đuối nước gây ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các quy định an toàn giao thông đường thủy, trường học an toàn, cộng đồng an toàn cho trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác PCĐN trẻ em.
Vân Anh