Trong giai đoạn đến năm 2025, theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu bình quân năm 7-9%. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 731 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng khá cao này, tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu có thể đạt 1.000 tỷ USD năm 2025.
Để cải thiện tỷ giá thương mại, cần tăng nỗ lực xây dựng và thực hiện chiến lược cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp. Cần chú trọng tăng quy mô và tỷ trọng các mặt hàng có tỷ giá thương mại tăng cao. Cần đầu tư vào công tác nghiên cứu để phát triển sâu thị trường hiện có cùng với tìm thêm các thị trường mới Xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả.
Đối với các mặt hàng có tỷ giá thương mại bất lợi, có thể chỉ duy trì quy mô và tốc độ tăng trưởng hiện có. Tuy nhiên, cần có giải pháp tiết giảm chi phí xuất khẩu, cải thiện chất lượng, gia tăng hàm lượng chế biến sâu, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng. Có thể có phương thức giảm hợp lý tỷ trọng các mặt hàng có tỷ giá thương mại giảm và đầu tư vào đổi mới sáng tạo để phát triển mặt hàng mới.
Coi trọng phát triển năng lực sản xuất trong nước, gia tăng hàm lượng nội địa hóa, phát triển các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu. Đối với mặt hàng chiến lược như săng dầu cần phát triển năng lực tự chủ, tự cường hoặc xây dựng kế hoạch dự trữ để phản ứng hiệu quả với những biến động bất định của thị trường xăng dầu, và có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu năng lượng kịp thời theo hướng tăng năng lượng tái tạo.
Việc phát triển nền công nghiệp quốc gia tự chủ, tự cường đủ năng lực tạo khối lượng hàng hóa xuất khẩu quy mô lớn với điều kiện thương mại có lợi cần được tính đến trong dài hạn. Lực lượng doanh nghiệp cần tích cực, chủ động phát triển và thích ứng hiệu quả với yêu cầu cải thiện tỷ giá thương mại từng phân đoạn thị trường trong từng giai đoạn.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Chính phủ hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến lược có 06 nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; Phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Thạch Thảo (t/h)