Những cây cổ thụ, những cánh rừng già bao năm chống chọi lại thiên tai, oằn mình ngăn bão lũ nay “tức tưởi” đổ gục bởi bàn tay của con người. Từng lỗ sâu hoắm ở thân gỗ chảy những vết nhựa nhầy nhụa đến thảm hại, giống như dòng nước mắt của rừng…
“Dấu tích”của lâm tặc vẫn in trên những cánh rừng già
Rừng… đã khóc
Những ai đã từng sống hay đi công tác tại các tỉnh miền núi, người ta vẫn nghe thấy những tiếng bổ chan chát từ búa, rìu lên những thân gỗ lớn. Tiếng cưa máy gầm gào “vã” vào thân cây khiến cho chúng phải đổ gục. Đêm khuya, chỉ còn tiếng rừng gào thét dội về khi những cây gỗ lớn ngã quỵ.
Vài năm về trước, trong chuyến đi công tác trên huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, Chị Vi Thị Lộ một người dân bản địa của tỉnh đã dẫn đường cho chúng tôi đến khu rừng đặc rụng Khau Tinh (thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung huyện Na Hang) nhìn cánh rừng, chị chua xót kể: “Trước đây, khu rừng này rất nhiều thân gỗ lớn. Mà đó là những cây thuộc loại gỗ quý như gỗ đinh, gỗ hương, gỗ nghiến… Nhưng bây giờ vào rừng, những loại cây này dần thưa bóng”.
Cũng theo chị Lộ, bi kịch của rừng là do con người mà ra cả. Vì lợi nhuận kinh tế, lâm tặc cứ luồn rừng đốn hạ những thân cây lớn để mang bán. Được biết, mỗi đầu gỗ để làm khung cửa dài chừng 2m, rộng 23cm, dày 7cm có giá trị khoảng 700.000 đồng. Mỗi chiếc thớt nghiến loại 45cm, dày 7cm có giá đến 170.000 đồng, thậm chí giai đoạn đắt giá lên tới 300 đến 400 ngàn đồng. Chính vì những giá trị của gỗ lớn nên người ta đua nhau vào rừng làm… lâm tặc.
“Bây giờ “công nghệ” phá rừng cũng ngày càng tân tiến. Người ta có thể dùng búa, rìu, cưa máy… nay họ còn có cả tời cáp lụa, làm cả đường cho xe chạy vào lấy gỗ. Những cây gỗ lớn sau khi đã bị đốn hạ được cho nằm phơi mưa nắng, một thời gian sau khi không có động tĩnh gì bọn lâm tặc mới tiếp tục mang dụng cụ vào để thu hoạch. Đoạn nào dùng làm thớt thì chúng làm thớt, đoạn nào dùng làm cửa thì chúng làm cửa. Thân cây cứ thế bị “phanh” ra, thật thảm hại” Vi Thị Lộ chia sẻ.
Ở khu vực này, ngoài bọn lâm tặc ra thì có cả người dân nữa, họ vào rừng chủ yếu là tìm gỗ để xẻ làm nhà, đốn gỗ làm thớt để bán kiếm thu nhập. Những người này thì thường đi nhỏ lẻ, có khi đi một mình, nhưng cũng có lúc cả cặp vợ chồng vác rìu, cưa vào để đốn gỗ. Nhìn những mảnh gỗ bị loại ra bỏ lại rừng mà chua xót. Thi thoảng, người dân quanh khu vực vẫn vào rừng mang những thớ gỗ thừa như vậy về để làm củi…
Còn có một hình thức khác để người ta làm tổn thương đến rừng. Đó là những thân cây nghiến cổ thụ thường có những bìu nhô ra, những bìu này có nhiều hình thù khác nhau được tạo ra một cách tự nhiên nên rất đẹp cùng với những hoa văn độc nhất vô nhị. Người ta gọi nó là “ngọc” Nghiến. Những loại này khi được tách ra khỏi thân cây thường có giá trị rất lớn. Một mảng “ngọc” nghiến có hình thù một cái gạt tàn thuốc lá, một cái đĩa, thậm chí có bìu có đường kính rộng đủ làm cả một cái bàn… có thể có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng.
Ông Khổng Văn Quang: Bảo vệ rừng cần sự chung sức của cả cộng đồng
Một người dân cho biết: “Trước tôi hay vào rừng tìm phong lan mang về bán cho những người dưới xuôi. Nhưng cũng vất vả nhưng chẳng được là bao đâu, đủ tiền mua cân thịt lợn thôi. Thấy người ta kiếm “ngọc” Nghiến mang về bán lãi lắm, bình thường cũng được vài trăm nghìn, hoặc cả triệu đồng tùy theo giá trị thẩm mỹ, kích cỡ của nó. Có cái nhìn thích mắt giá lên tới tiền trăm đấy…”.
Cứ thế, rừng bị tàn phá. Máu rừng đã chảy…
Bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng
Rừng mênh mông, nhưng sức người giữ rừng có hạn. Trao đổi với phóng viên báo Thương hiệu & Công luận về những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, ông Khổng Văn Quang – Hạt phó Hạt kiểm lâm Rừng đặc dụng Na Hang cho biết: Việc phát hiện, xử lý vi phạm về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản rất khó khăn, phức tạp. Do lực lượng tuần tra quản lý rừng còn mỏng, mặt khác do địa bàn rộng lớn, rừng núi hiểm trở, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trang thiết bị đầu tư chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, do mặt bằng dân trí không đồng đều dẫn đến nhận thức pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn thấp. Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán vận chuyển khai thác lâm sản ngày càng tinh vi gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản.
Tính riêng 7 tháng đầu năm 2013, Hạt kiểm lâm Rừng đặc dụng Na Hang đã phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm, trong đó có 04 vụ việc đã khởi tố vụ án hình sự. Mặc dù đã dùng đến các biện pháp mạnh như truy tố trước pháp luật nhưng do lợi nhuận từ rừng mang lại quá lớn, một số đối tượng vẫn bất chấp pháp luật tiến hành chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép.
Trước tình hình thực tế và đặt nhiệm vụ cấp bách trong việc ngăn chặn các vụ việc phá rừng tái diễn, ông Khổng Văn Quang chia sẻ: bên cạnh việc xin tăng cường đội ngũ tuần rừng, hiện nay Hạt đang thử nghiệm mô hình trưởng bản tuần rừng. Nghĩa là mời các trưởng bản thâm gia công tác tuần tra và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Hạt sẽ trang bị những kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng để các trưởng bản có thể truyền đạt lại cho các hộ dân trong bản. Từ đó ngăn chặn việc lâm tặc lôi kéo dân bản tham gia phá rừng.
Hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng Hạt kiểm lâm RĐD Na Hang, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản sẽ ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác rừng trái phép. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý trong công tác bảo vệ rừng để những cánh rừng già không còn phải… khóc.
Long Trần